Du lịch Thanh Hóa đang tận hưởng 'trái ngọt'
Thanh Hóa đang tận hưởng 'trái ngọt' từ bước chuyển mình mạnh mẽ của hạ tầng, để thúc đẩy du lịch theo từng mảnh ghép dần thành hình của tuyến đường xương sống cao tốc Bắc - Nam.
Nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế từ hạ tầng giao thông
Thanh Hóa nằm ở cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và là trục giao lưu kết nối Bắc bộ - Trung bộ - Nam bộ, với hệ thống giao thông đa dạng, đồng bộ gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy.
Trong đó, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm như dự án thành phần cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng (đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 49,02km); đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (tiểu dự án 4 đoạn từ Đại lộ Nam Sông Mã TP Sầm Sơn đến Cầu Ghép huyện Quảng Xương); đường nối từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường đến các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh; nâng cấp, cải tạo đường từ Quốc lộ 1A đi qua Khu du lịch Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa); cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 217 đi xã Vĩnh Minh và danh thắng núi Kim Sơn, xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc)...
Chớp cơ hội khai thác tuyến cao tốc mới Mai Sơn - QL 45, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã công bố tuyến du lịch kết nối với nhiều tour qua các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy và Thọ Xuân. Đây là các địa phương có tài nguyên du lịch vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và quốc gia, tiêu biểu như thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), đền Đồng Cổ (Yên Định), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)…
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 76 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép, trong đó có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 56 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 04 chi nhánh du lịch. Với 1.200 khách sạn, nhà nghỉ với 47.300 phòng, trong đó có 215 khách sạn đạt hạng 1- 5 sao, 178 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) có sức chứa khoảng 8.000 người, 235 khách sạn căn hộ (condotel) với khoảng 1.600 phòng và khoảng 800 biệt thự, căn hộ, nhà liền kề cho khách du lịch thuê với khoảng 4.500 phòng.
Có được thành công ấy là cả quá trình kiên trì và miệt mài của người dân và các cấp chính quyền trong việc thay đổi diện mạo du lịch xứ Thanh. Đầu tiên phải kể đến là tỉnhThanh Hóa đã làm tốt các hoạt động kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đơn vị trong nước, các hoạt động quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hóa, các hoạt động xúc tiến gắn với Đại sứ du lịch Thanh Hóa năm 2023, đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí về khảo sát, kết nối các tour tuyến, sản phẩm du lịch…
Sau du lịch biển, năm 2023 sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng là một “hiện tượng” mới trên bản đồ du lịch Thanh Hóa, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của du lịch xứ Thanh. Chính việc nắm bắt xu thế và triển khai đồng bộ giữa các cấp chính quyền cùng với cộng đồng người làm du lịch đã làm nên bức tranh khởi sắc và đầy triển vọng của du lịch Thanh Hóa trong những năm gần đây.
Những con số ấn tượng
Nếu như những năm trước 2019, du lịch Thanh Hóa tuy đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ đưa tỉnh này lọt vào nhóm những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế du lịch hàng đầu Việt Nam. Song từ năm 2020 trở lại đây, cái tên Thanh Hóa luôn là địa chỉ ưu tiên hàng đầu cho khách du lịch.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi, với thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, trải dài từ miền núi, trung du đến ven biển và hải đảo; cùng với nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ, từ đường sắt, đường cao tốc, đường ven biển, đến cảng biển và cảng hàng không; nhiều các tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu cả nước đang tiếp tục được đầu tư và sẽ sớm đi vào hoạt động; du lịch Thanh Hóa sẽ tiến xa hơn nữa, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, du lịch Thanh Hóa đã và đang khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam, khi liên tiếp nằm trong top các địa phương là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, thu hút khách du lịch nhiều nhất cả nước trong thời gian qua. Sự tăng trưởng về thứ hạng của ngành du lịch Thanh Hóa đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của “ngành công nghiệp không khói” trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa xứ Thanh.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, chỉ tính riêng trong tháng 10/2023, tổng lượt khách đến Thanh Hóa đạt 205.400 lượt khách, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2022, trong đó khách quốc tế 51.800 lượt khách; tổng thu du lịch đạt 489 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2022. Dịp lễ 30/4 và 1/5, Thanh Hóa cũng đón được lượng du khách cao nhất cả nước với gần 1,2 triệu lượt. Qua đó, góp phần nâng tổng thu du lịch 10 tháng của toàn tỉnh lên 23.223 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2022 và đạt 96% kế hoạch năm 2023.