Du lịch Thanh Hóa vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Mặc dù là một trong những 'điểm sáng' của ngành du lịch cả nước trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch, tuy nhiên, du lịch Thanh Hóa đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: nguồn khách thu hẹp, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư, khó thu hút nhân lực chất lượng cao, hầu hết các dự án chậm tiến độ so với quy định...
Việc nhiều hãng hàng không cắt giảm chuyến bay và đường bay đi - đến Thanh Hóa đã khiến nguồn khách bị thu hẹp đáng kể.
Kể từ khi du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại (15/3/2022) đến nay, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đến nay hoạt động du lịch của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về lượng khách của cả nước. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2023 toàn tỉnh ước đón 12,4 triệu lượt khách, đạt 103,5% kế hoạch năm; tổng thu du lịch ước đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Thanh Hóa vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nguồn khách hạn chế là một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập đến. Nguyên nhân chính được chỉ ra là các đường bay đi - đến Thanh Hóa đã bị cắt giảm gần hết. Cụ thể, Cảng Hàng không Thọ Xuân từng có tới 9 đường bay nội địa, nhưng đến nay chỉ còn duy trì 1 đường bay Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh. Việc nhiều hãng hàng không cắt giảm cả số chuyến bay và đường bay đã khiến cho lượng khách đến Thanh Hóa giảm sút đáng kể. Nếu như đến ngày 19/12/2022 số lượng khách qua Cảng Hàng không Thọ Xuân đã đạt gần 1,6 triệu lượt, thì đến ngày 19/12/2023 mới chỉ đạt gần 1,2 triệu lượt, giảm 23%.
Ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch quốc tế Long Hải (TP Thanh Hóa), cho biết: “Việc cắt giảm đường bay từ Thanh Hóa đi - đến các thị trường du lịch trọng điểm như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Cần Thơ, Đà Lạt,... đã gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp lữ hành trong việc xây dựng tour, tuyến và kết nối nguồn khách từ các thị trường này về với Thanh Hóa. Do đó, trong năm 2023 phần lớn các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh chuyển hướng sang khai thác thị trường khách miền Bắc và một số tỉnh miền Trung. Trong khi đó, các tour sử dụng đường hàng không chi phí sẽ cao hơn, kéo theo các dịch vụ lưu trú, ăn uống, xe trung chuyển... Bởi vậy, việc cắt giảm đường bay, tần suất chuyến bay không chỉ thu hẹp nguồn khách đến Thanh Hóa mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ du lịch nói riêng, kết quả kinh doanh du lịch của tỉnh nói chung”.
Không nằm ngoài những khó khăn chung, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) đã phải đưa ra những giải pháp “tình thế” nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất. Quản lý khu nghỉ dưỡng Pù Luông Jungle Lodge (xã Thành Lâm), Bùi Việt Anh cho biết: “Khi nguồn khách bị thu hẹp dẫn đến các đơn vị lữ hành không dám mạo hiểm “ôm phòng” như thời gian trước. Bởi vậy, cùng với nguồn khách từ các doanh nghiệp lữ hành và các kênh booking online, từ đầu năm 2023 đến nay chúng tôi đã chủ động tiếp cận trực tiếp khách hàng (không thông qua trung gian) nhằm tăng tối đa lợi nhuận. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp “tạm thời”. Ngoài ra, các khu nghỉ dưỡng tại Pù Luông đã chủ động hơn công tác tuyên truyền, quảng bá; xây dựng đa dạng các hoạt động trải nghiệm, làm mới điểm đến, sản phẩm nhằm thu hút khách hàng”.
Thực tế, cùng với việc nguồn khách bị thu hẹp, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu vốn tái đầu tư, khó thu hút nhân lực chất lượng cao... Bên cạnh đó, nhiều vấn đề hạn chế trong nội tại ngành du lịch Thanh Hóa thời gian qua vẫn chưa được khắc phục, như: tính chuyên nghiệp chưa cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thiếu các sản phẩm đặc sắc, giàu tính trải nghiệm; các chính sách, phương án hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chưa phát huy hiệu quả như mong đợi; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế; hầu hết các dự án du lịch đều chậm tiến độ so với quy định... đã tác động không nhỏ đến quá trình phục hồi của ngành “công nghiệp không khói” xứ Thanh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Trần Đình Sơn, cho biết: “Mặc dù du lịch của tỉnh đang có những tín hiệu tích cực, song doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, thị trường khách, thu hút nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa bắt kịp xu hướng phát triển, tiến hành chuyển đổi số chậm nên đến nay vẫn chưa thể phục hồi trở lại. Theo đó, trong năm 2024 Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: định hướng cho doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết; tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực...”.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, với nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua và phải đối mặt. Song, thẳng thắn nhìn nhận du lịch Thanh Hóa đã, đang đứng trước những cơ hội mới để “cất cánh”. Cùng với Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định Chương trình phát triển du lịch là 1 trong 6 chương trình trọng tâm. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa hiện thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 146 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án du lịch lớn đã, đang được triển khai. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để du lịch Thanh Hóa phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, chuyên nghiệp trong tương lai gần.