Du lịch Thủ đô dần khẳng định thương hiệu

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế có mức phục hồi, tăng trưởng thấp, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, các chỉ tiêu phát triển của ngành Du lịch Thủ đô đều có mức tăng trưởng cao, vượt các kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế với mức tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2023 là chỉ tiêu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, tiếp theo đó là chỉ tiêu tổng thu từ du lịch, với mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng.

Đối với thị trường quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới.

Đối với thị trường quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 5/2024, tổng khách du lịch đến Thủ đô đạt 2,37 triệu lượt, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 9.194 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đạt 496,5 nghìn lượt khách, tăng 46,7% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 350 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa đạt 1,88 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả 5 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 11,55 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu 5 tháng từ khách du lịch đạt 45.856 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt khách, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.Về tình hình lưu trú, trong tháng 5/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 64,7%; giảm 1,7% so với tháng 4/2024 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến 6 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 63,9%; tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Về số lượng cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội hiện có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với tổng số 26.641 phòng, số khách sạn, căn hộ xếp hạng chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng. Đối với các dịch vụ du lịch đạt chuẩn, trên địa bàn Thành phố hiện có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

Đối với thị trường quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Các tổ chức, chuyên gia, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế tiếp tục đề cử,vinh danh Hà Nội tại các giải thưởng uy tín, tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Du lịch Hà Nội tiếp tục được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) đề cử ở 2 hạng mục Asia's Điểm đến kỳ nghỉ ngắn ngày tại thành phố hàng đầu châu Á (Leading CityBreak Destination 2024) và Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á (Asia's Leading City Destination 2024). Nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã vinh danh Hà Nội ở hạng mục Điểm đến hàng đầu thế giới 2024 và Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024.

Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình xúc tiến du lịch cũng được đổi mới, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và du khách. Các sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên, theo chuỗi từ đầu năm đến cuối năm với nhiều hoạt động, nội dung đặc sắc, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ mới như 3D, Mapping, Drone. Bên cạnh đó, công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành đầy đủ nội dung, xâu chuỗi và tích hợp quy hoạch cụm du lịch trọng điểm, mạng lưới các điểm đến du lịch trọng điểm gắn với không gian quy hoạch chung của Thủ đô trong Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Sở Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng, triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, nghệ nhân, chuyên gia tham gia đào tạo nhân lực du lịch. Chủ động phối hợp, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời ba đội ngũ: Quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch thực sự chuyên nghiệp về nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng. Triển khai áp dụng các tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch trong đào tạo, giảng dạy, tiến đến áp dụng các tiêu chuẩn nghề theo chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư làm du lịch kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-lich-thu-do-dan-khang-dinh-thuong-hieu-171451.html