Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nửa đầu năm: Tiếp tục đà tăng trưởng
Trong bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng năm 2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trườ̀ng xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiế́m tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước…
Thông tin tại họp báo thường kỳ quý 2 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 28/6/2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong quý 2/2024, Bộ đã tập trung triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TĂNG 19%
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thủy sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%.
Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Trong đó gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%). Riêng xuất khẩu cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trườ̀ng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ 6,16 tỷ USD (tăng 22,5%); cà phê 3,14 tỷ USD (tăng 36,2%); rau quả 2,42 tỷ USD (tăng 35,3%); gạo 2,31 tỷ USD (tăng 27%); tôm 1,43 tỷ USD (tăng 13,3%). Năm mặt hàng thâm hụt thương mại cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu 2,13 tỷ USD (tăng 17,5%); bông các loại 1,5 tỷ USD (tăng 9%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt 1,51 tỷ USD (tăng 7,2%); ngô 1,17 tỷ USD (giảm 2,2%); lúa mì 828 triệu USD (giảm 3,6%).
Đánh giá về vấn đề sản xuất và xuất khẩu gạo trong 6 tháng qua, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm đạt 4,68 triệu tấn, tăng 10,4%; giá trị 2,98 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Nếu nửa cuối năm vẫn thuận lợi như nửa đầu năm, thì xuất khẩu gạo cả năm có khả năng đạt 8,5-9 triệu tấn, kim ngạch 5-5,5 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam nửa cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024 đã được hưởng lợi lớn nhờ việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo. Năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam vượt qua các đối thủ để vươn lên dẫn đầu thế giới. Cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt mức 653 USD/tấn, cao hơn gần 93 USD so với mặt hàng cùng loại của Thái Lan, cao hơn Pakistan là 90 USD/tấn. Với mặt hàng gạo 25% tấm, gạo Việt Nam bán được giá 638 USD/tấn, cao hơn 118 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan và cao hơn Pakistan 150 USD/tấn. Trong nửa đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đạt 653 USD/tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
TRIỂN KHAI PHẦN MỀM TRUY XUẤT ĐIỆN TỬ CHO XUẤT KHẨU
Trả lời báo chí về việc Ấn Độ đang xem xét gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của nước này vào cuối năm nay, liệu có ảnh hưởng gì đến xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Nguyễn Như Cường cho rằng Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo với tỷ trọng chiếm khoảng 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, nên việc nước này gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể ảnh hưởng đến sản lượng và giá gạo xuất khẩu trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ về những thách thức đối với ngành trồng trọt từ nay đến cuối năm 2024, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết thêm, những ngành hàng lớn như: cà phê, hồ tiêu sẽ không có gì ảnh hưởng bởi sản lượng xuất khẩu trong niên vụ 2023-2024 đã được thu hoạch. Riêng đối với mặt hàng rau quả và gạo, nếu không có yếu tố bất thường về thời tiết và dịch bệnh ở miền Nam thì sẽ đảm bảo kế hoạch và mục tiêu đề ra.
Theo ông Cường, trong nửa đầu năm 2024, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,48 triệu hecta, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%... Trong nửa cuối năm 2024, Cục Trồng trọt tập trung chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè thu, vụ thu đông và vụ mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để đạt các mục tiêu đã đề ra, trong đó có mục tiêu xuất khẩu, ngành nông nghiệp chú trọng phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2024 phát hành ngày 01/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam