Du lịch Thừa Thiên Huế hướng tới sản phẩm đặc trưng, dịch vụ chất lượng
Năm 2023, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng cao. Năm 2024, tỉnh này triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch, sẵn sàng cho mùa du lịch mới ở đất Cố đô.
Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đón hơn 3,2 triệu lượt khách, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, khách du lịch nội địa hơn 2 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 1,2 triệu lượt, tăng hơn 4,6 lần so với năm 2022; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng... Đây là những con số minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm nay tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục lễ hội Festival Huế với chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật ấn tượng. Nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch, dịch vụ mới được xây dựng, khai thác có hiệu quả, mang đặc trưng riêng của vùng đất Di sản văn hóa thế giới như: “Huế - Thành phố lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”... Quần thể di tích cố đô Huế tiếp tục là điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Anh Brian Bean, du khách người Anh bày tỏ: “Huế là một thành phố rất đẹp. Trước khi đến đây, chúng tôi đã tham khảo nhiều thông tin về điểm đến này. Mọi thứ ở đây rất tuyệt vời, từ cảnh quan, công trình kiến trúc di sản, văn hóa, ẩm thực, con người rất đáng để trải nghiệm. Qua đây tôi đã hiểu hơn về văn hóa bản địa”.
Năm 2023, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản tập trung ở khu vực Đại Nội, bổ sung nhiều hoạt động mới tại Quần thể di tích Cố đô Huế, sản phẩm du lịch đêm ở phố đi bộ khu vực Hoàng thành Huế và phố Hai Bà Trưng. Nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới ra mắt gắn với các làng nghề truyền thống, chương trình du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, du lịch đồng quê, du lịch kết hợp chữa bệnh. Các loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc miền núi, các tour du lịch homestay tại thành phố Huế và khu vực phụ cận thu hút đông du khách trải nghiệm. Các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng đổi mới cách thức xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với bản sắc văn hóa và con người Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đoàn công tác tham gia Chương trình xúc tiến giới thiệu du lịch, quảng bá di sản văn hóa tại Hàn Quốc. Các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, việc đưa vào khai thác nhà ga T2 Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi đón các chuyến bay quốc tế cũng như trong nước, mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế…
Tuy nhiên, dù phục hồi mạnh mẽ nhưng ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Chất lượng dịch vụ, nhất là các dịch vụ cao cấp, cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 4 - 5 sao còn thiếu. Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng nguồn nhân lực phục vụ du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa và hoạt động văn hóa còn khó khăn…
“Hiện nay, lượng khách du lịch đến tỉnh Thừa Thiên Huế có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Để đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp, ngành du lịch xác định đáp ứng đủ điều kiện để đón khách chứ không đón lượng khách vượt quá khả năng. Do vậy, chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch”, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.
Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đón 3,5 - 4 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách nội địa chiếm khoảng 70%. Tổng thu từ du lịch đạt từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Địa phương tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn. Từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: “Huế - điểm đến của 5 di sản thế giới”, “Huế - Kinh đô của lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực” và “Huế - Kinh đô áo dài”...
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các đơn vị, địa phương cần phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế, tạo giá trị gia tăng cao; triển khai các giải pháp tạo đà, phát triển sản phẩm mới có tính đặc trưng, dịch vụ chất lượng; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch...
“Chúng tôi đặt mục tiêu phải thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế, để có thể phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tăng trưởng trở lại bình thường như giai đoạn trước đây. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp để xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, trung tâm du lịch của cả nước, theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.