Du lịch Tiền Giang kỳ vọng 'đòn bẩy' phát triển từ chính sách visa mới
Ngành du lịch tỉnh Tiền Giang kỳ vọng chính sách visa mới có hiệu lực từ ngày 15/8 sẽ 'đòn bẩy' thúc đẩy tăng trưởng du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến địa phương.
Từ ngày 15/8, chính sách thị thực (visa) mới cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Với chính sách mới này, du khách quốc tế không chỉ đến với Việt Nam dễ dàng hơn mà còn có thể kéo dài thời gian lưu trú, từ đó có thể gia tăng hoạt động tham quan, trải nghiệm và tăng chi tiêu.
Đây được xem là cơ hội để Du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch tỉnh Tiền Giang nói riêng kỳ vọng “đòn bẩy” phát triển, thu hút du khách quốc tế.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trong 10 năm gần đây (2013-2022), có trên 12,9 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang, trong đó có trên 5,1 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 5.202 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đón 578.200 lượt khách du lịch, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt 150.500 lượt, tăng 5 lần so với năm 2022.
Để đón đầu chính sách visa mới, thu hút nhiều khách quốc tế, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch như sông nước miệt vườn ở Cù lao Thới Sơn, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Chợ nổi Cái Bè, Vườn cây ăn trái cù lao Tân Phong, tham quan khu du lịch Biển Tân Thành, Trại rắn Đồng Tâm, Di tích Lịch sử Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút, tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực, đờn ca tài tử.
Đồng thời, tỉnh thực hiện liên kết, hợp tác phát triển vùng để cùng khai thác, bổ sung sản phẩm đặc trưng cho nhau giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Khu du lịch Cái Bè và Thới Sơn thực hiện liên kết tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh khá hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng các điểm đến, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã hướng dẫn hỗ trợ các nhà cổ, các hộ làng nghề nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch; phát triển các tour, tuyến du lịch mới; hỗ trợ các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa gắn với hoạt động du lịch.
Để đẩy mạnh liên kết, mở rộng thị trường và mời gọi các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tỉnh Tiền Giang đã ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch với 5 nội dung, 3 chương trình du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2019.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang còn hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Hà Tĩnh, Thành phố Hà Nội và là thành viên Cụm Liên kết Hợp tác Phát triển Du lịch phía Đông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cùng với các địa phương trong Cụm tham gia các hoạt động chung tạo hiệu ứng tích cực trong quảng bá, xúc tiến du lịch.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đang dần hồi phục. Kể từ khi mở cửa lại hoàn toàn thị trường du lịch, lượng du khách trong và ngoài nước đến tỉnh Tiền Giang có chiều hướng tăng trở lại. Tuy nhiên cũng như trước đây, thời gian lưu trú của du khách tại địa phương không dài, việc chi tiêu của du khách cũng không nhiều.
Theo các chuyên gia, để trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn ban đầu và quay trở lại sau đó, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang cần có sự bứt phá, tạo thêm những sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc; chú trọng phát triển các dịch vụ bổ trợ có chất lượng tốt nhất; khai thác hiệu quả mô hình kinh tế ban đêm gắn với đặc trưng về văn hóa nghệ thuật, ẩm thực để thu hút du khách.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá bằng một số ngôn ngữ nước ngoài phổ biến như tiếng Anh, tiếng Hoa thông qua phương tiện truyền thông quốc tế dựa trên sự khai thác các giá trị độc đáo của sản phẩm du lịch địa phương./.