Du lịch Trảng Bàng-từ những cổ tích

Từ những cổ tích- minh chứng cho một vùng đất lâu đời, lưu giữ truyền thống của cư dân, là nguồn tư liệu quý giá để học tập, nghiên cứu và đặc biệt là phát triển du lịch tại thị xã Trảng Bàng.

Địa đạo An Thới, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng.

Nằm ở phía Nam Tây Ninh, là vùng đất được khai phá sớm nhất trong tỉnh, trong quá trình hình thành và phát triển, Trảng Bàng là nơi hội tụ của nhiều tộc người, góp phần hình thành nên những tập tục đa dạng và phong phú. Từ những cổ tích- minh chứng cho một vùng đất lâu đời, lưu giữ truyền thống của cư dân, là nguồn tư liệu quý giá để học tập, nghiên cứu và đặc biệt là phát triển du lịch tại thị xã Trảng Bàng.

Trong “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong có đoạn viết:

“Thuở xưa gầy dựng Trảng Bàng,

Bởi ông cả Trước gian nan nhiều bề.

Nay thành một chỗ chỉnh tề,

Đình chùa phố xá phủ phê trong ngoài…”

Chợ cũ Trảng Bàng

Năm 1821, ông Đặng Văn Trước chỉ huy dân chúng thôn Phước Lộc đào một con kênh thông ra rạch Trảng Bàng để mở đường giao thương buôn bán và lập ngôi chợ tại đây. Ông cho mở mang đường sá, xây phố, phát triển thương nghiệp ở địa phương. Lúc đó, việc giao thương buôn bán bằng đường thủy là chủ yếu, các mặt hàng từ khắp nơi mang đến chợ Trảng Bàng và ngược lại, hàng hóa cũng từ kênh Trảng Bàng ra sông Vàm Cỏ Đông về Gia Định, đi các tỉnh vùng Nam Bộ và ngược lên Campuchia.

Từ đó, thôn Phước Lộc trở nên trù phú, thịnh vượng, thu hút nhiều lưu dân người Việt, Chăm, Khmer và đặc biệt là các thương buôn người Hoa, người Minh Hương, các lực lượng thương nhân đến định cư, lập nghiệp.

Khu chợ từng được ví như một “tiểu Hội An” giữa lòng Đông Nam Bộ. Mang trong mình sự hoài cổ từ kiến trúc của những căn nhà phố, ngôi chùa, miếu, hội quán hàng trăm năm tuổi là nét đặc trưng thu hút những ai đến với chợ cũ Trảng Bàng.

Đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước thuộc khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng, hiện tọa lạc ở giữa chợ cũ. Đây là ngôi đền thờ tiền hiền Đặng Văn Trước, người đã có công lớn trong việc khai hoang mở đất, lập làng, dựng chợ, đào kênh.

Cư dân còn quen gọi là “miễu ông Cả” hay “miễu ông Chủ Chợ”, thành lập từ năm 1826, ở lần trùng tu năm 1939 đền thờ giữ được kiến trúc đến ngày nay. Nhiều khám thờ, hoành phi, liễn đối được chạm khắc tinh xảo, đền thờ còn gìn giữ nhiều hiện vật có giá trị, đặc biệt là sắc phong năm 1933 vua Bảo Đại ban cho tiền hiền Đặng Vừa với mỹ tự là “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần” và “Đặng Thế tộc phả” cung cấp nhiều thông tin về quá trình hình thành vùng đất Trảng Bàng, Tây Ninh.

Ông Lãnh binh Tòng [Đặng Văn Tòng], ông Phạm Văn Kế là những hậu hiền có công chống giặc bảo vệ quê hương cũng được thờ tại đây. Hằng năm, đền thờ tổ chức lễ giỗ ông vào ngày 5 và 6.3 âm lịch. Đền thờ ông Cả Đặng Văn Trước đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Tại khu chợ cũ Trảng Bàng có 3 hội quán của người Hoa và người Minh Hương được thành lập từ rất sớm. Trong đó, Thất Phủ hội quán là nơi sinh hoạt của người Hoa ở 7 phủ được thành lập từ khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với kiến trúc đặc trưng hiện tọa lạc tại khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng.

Hội quán thờ Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phước Đức Chánh Thần và hằng năm diễn ra nhiều lễ hội, trong đó lễ vía Quan Công vào 13 tháng Giêng được tổ chức với quy mô lớn.

Nhị Phủ hội quán là nơi sinh hoạt của người Hoa ở 2 phủ Chương Châu và Tuyền Châu (Phúc Kiến) được thành lập vào năm 1875. Năm 1936, dời về vị trí như hiện nay thuộc khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng.

Đối tượng thờ tự chính tại hội quán là Quảng Trạch Tôn Vương với hai kỳ lễ vía ngày sinh 22.2, ngày đắc đạo 22.8 âm lịch và nhiều vị thần trong tín ngưỡng của người Hoa. Minh Nghĩa hội quán do nhóm người Minh Hương ở Trảng Bàng xây dựng vào năm 1881 có quy mô lớn, kiến trúc đẹp và trang trí công phu nhất trong ba hội quán tại khu chợ cũ, hiện tọa lạc tại khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng.

Đây là hội quán duy nhất của người Minh Hương tại Tây Ninh. Hội quán thờ Quan Thánh Đế Quân, Kim Hoa Thánh Mẫu, Bà Mụ và Ngũ Hành Nương Nương. Cả 3 hội quán đã góp phần ghi đấu những nét đặc trưng trong văn hóa của cộng đồng người Hoa tại thị xã Trảng Bàng.

Những di tích cổ tại khu chợ cũ Trảng Bàng nằm cạnh nhau nên sẽ rất thuận tiện cho du khách có thể tản bộ hoặc di chuyển bằng xe đến tham quan. Đến chợ vào buổi sáng sớm có thể cảm nhận được khung cảnh tấp nập của người mua, người bán hay thưởng thức món bánh canh, bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc và mua đặc sản bánh tráng, muối ớt, muối tôm ngay tại chợ. Đặc biệt, người dân Trảng Bàng rất hiếu khách, họ có thể là “hướng dẫn viên” không chuyên kể cho bạn nghe về những câu chuyện dân gian ở xứ Trảng.

Đình Gia Lộc

Đình Gia Lộc

Đình Gia Lộc

Đình Gia Lộc, tọa lạc tại khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, đây cũng là ngôi đình cổ nhất ở xứ Trảng, còn bảo lưu sắc phong và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử.

Với sự tín ngưỡng và tri ân tiền hiền Đặng Văn Trước, người dân đã tôn ông làm thành hoàng của làng thờ ở đình Gia Lộc. Đình nằm trên một gò đất cao, xung quanh được bao bọc bởi những cây dầu, cây sao cổ thụ.

Hằng năm, đình Gia Lộc tổ chức lễ Kỳ yên từ ngày 14-16.3 âm lịch theo nghi thức cổ truyền. Đặc biệt, vào rạng sáng 14.3 có lễ thỉnh sắc từ đền thờ về đình và lễ hồi sắc vào chiều ngày 16.3. Ngoài ra, ngày 15.3 có nghi thức cầu nguyện của 3 tôn giáo chính tại địa phương là Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Cao Đài. Năm 2012, lễ Kỳ yên đình Gia Lộc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống.

Chùa Phước Lưu

Chùa Phước Lưu hiện tọa lạc tại khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng. Được thành lập vào khoảng những năm 1840, chùa từng là trung tâm đào tạo về nghi lễ Phật giáo ở Trảng Bàng từ những năm 1900.

Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ “Nhị”, gồm hai lớp nhà tứ trụ nối tiếp nhau. Điểm thêm cho sự cổ kính là những bao lam, hoành phi, liễn đối được chạm khắc tinh xảo và còn lưu lại nét chữ do “thần bút” Mạc Thiên Trai- một thư pháp gia người Hoa nổi tiếng ở thế kỷ XIX cùng chư tổ tại chùa thủ bút.

Cùng với giá trị về kiến trúc, chùa còn bảo lưu hệ thống tượng thờ bằng gỗ, gốm mang đậm tính dân gian và tính chất độc bản ở mỗi bức tượng; gìn giữ nhiều mộc bản, kinh sách Hán, Nôm cùng nhiều hiện vật giá trị thể hiện nét đặc trưng văn hóa Phật giáo ở vùng đất Trảng Bàng.

Chùa Phước Lưu là ngôi cổ tự mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tiêu biểu của Tây Ninh đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và được giới thiệu là một trong 108 danh lam cổ tự của Việt Nam.

Nhà thờ Tha La

Nhà thờ Tha La tọa lạc tại xóm Tha La, nay là khu phố An Hội, phường An Hòa. Nhà thờ được cha Besombes Hạnh là vị linh mục đầu tiên đến phục vụ tại Tha La thành lập vào năm 1860. Kiến trúc nhà thờ là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với mô hình mái vòm, tháp chuông. Theo Trảng Bàng phương chí của Vương Công Đức, hiện nay giáo xứ Tha La có khoảng 4.756 giáo dân, là một trong những nhà thờ Thiên Chúa giáo lớn nhất và là nhà thờ đầu tiên của đạo Thiên Chúa ở Tây Ninh.

Những di tích Cách mạng tại Trảng Bàng

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, quân dân thị xã Trảng Bàng luôn kiên cường chiến đấu, bảo vệ quê hương. Thị xã được Nhà nước 2 lần tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1978 và năm 1990.

Là vùng đất anh hùng, tại thị xã Trảng Bàng còn những địa chỉ cách mạng đã ghi dấu truyền thống vẻ vang của quân và dân Trảng Bàng như: Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời, Căn cứ Trảng Bàng tại vùng Tam giác sắt, Chứng tích Cầu Xe (xã Hưng Thuận); Địa điểm lưu niệm B10-B22 Giao bưu vận (phường An Tịnh); Căn cứ Biệt động Trảng Bàng (phường Trảng Bàng) đã được công nhận là di tích cách mạng cấp tỉnh. Đặc biệt là hai di tích Địa đạo An Thới và Căn cứ Thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại rừng Rong thuộc phường An Tịnh đã được Nhà nước công nhận là di tích cách mạng cấp quốc gia.

Đến với thị xã Trảng Bàng còn có tháp cổ Bình Thạnh- một di tích khảo cổ cấp quốc gia. Là vùng đất “thủ phủ” của tôn giáo Cao Đài nên những thánh thất, điện thờ Phật mẫu với kiến trúc đặc trưng cũng là nguồn thu hút du khách đến tham quan.

Đến xem và tự tay thực hành ở các xóm nghề có từ lâu đời ở địa phương như xóm làm bánh tráng phơi sương ở Lộc Du (phường Trảng Bàng), xóm làm nón lá ở phường An Hòa, xóm làm nghề rèn ở phường Gia Lộc… sẽ cho du khách một trải nghiệm thực tế, mới lạ tạo nhiều ấn tượng, kỷ niệm trong chuyến tham quan.

Chính những cổ tích hàng trăm năm tuổi tại địa phương là nguồn phát triển cho du lịch Trảng Bàng ở các loại hình như du lịch văn hóa, du lịch chuyên đề, tâm linh (tôn giáo) hay du lịch hoạt động. Với động lực chủ yếu là phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ thì du lịch cũng là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại thị xã Trảng Bàng, góp phần xây dựng Tây Ninh trở thành “trung tâm du lịch”.

Phí Thành Phát

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/du-lich-trang-bang-tu-nhung-co-tich-a142710.html