Du lịch về làng
Du lịch thích ứng thời tiết, du lịch bền vững là những khái niệm ngày càng được nhiều địa điểm hướng đến khi chọn phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với câu chuyện cảnh quan, bảo tồn văn hóa bản địa thể hiện trong những nếp ăn nếp ở cần một sự gắn kết của cả cộng đồng lẫn doanh nghiệp du lịch liên quan.
Làng du lịch tốt nhất thế giới
Làng Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) vừa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là một trong những làng du lịch tốt nhất (BTV) . Cùng với các yếu tố cảnh quan, dùng du lịch để bảo tồn văn hóa và truyền thống, tôn vinh sự đa dạng, đồng thời tạo cơ hội và bảo vệ đa dạng sinh học là những tiêu chí để ngôi làng này nhận được sự vinh danh cao quý từ thế giới.
Tân Hóa là một thung lũng nằm giữa bốn bề núi đá vôi. Tại đây có hệ thống hang động Tú Làn mang vẻ đẹp độc đáo cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, Tân Hóa thường được coi là vùng “rốn lũ” vào mỗi mùa mưa bão.
Năm 2011, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) được cấp phép khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực hệ thống hang động Tú Làn. Đến năm 2014, tuyến du lịch khám phá Tú Làn chính thức được vận hành với 9 tour, cùng nhiều loại hình khác nhau.
Đồng thời với câu chuyện phát triển du lịch là sáng kiến xây dựng nhà phao chống lũ cho người dân Tân Hóa. Chính điều này giúp người dân thích ứng với điều kiện của thời tiết và bắt đầu tham gia các hoạt động du lịch của Oxalis.
Với những sản phẩm khai thác từ chính bất lợi của thiên tai, từng ngày một ngôi làng này trở thành làng du lịch thích ứng thời tiết với những trải nghiệm khác biệt mang đến cho du khách.
Được biết, giải thưởng BTV là sáng kiến của UNWTO nhằm thúc đẩy du lịch trở thành một trụ cột trong phát triển nông thôn. Những ngôi làng được lựa chọn nhận giải phải có sự nổi bật về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; đồng thời có các hành động đổi mới, cam kết phát triển du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Công ty Oxalis cho biết: "Giải thưởng BTV của UNWTO là công nhận những làng du lịch nông thôn đã có sáng kiến vượt bậc trong kinh doanh du lịch; đồng thời có thể bảo tồn được truyền thống, nét văn hóa của mình. Các làng được vinh danh sẽ được UNWTO tập hợp lại thành mạng lưới BTV trên toàn cầu và UNWTO sẽ hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ thuật và các hỗ trợ khác để giúp cho các làng tiếp tục phát triển, thúc đẩy du lịch nông thôn".
Tiềm năng ở xứ Quảng
Tại Quảng Nam, những ngôi làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) với cảnh quan và bản sắc văn hóa vẫn chưa phát triển đúng như vốn liếng đang có. Rất hiếm điểm DLCĐ của Quảng Nam giữ được sự phát triển ổn định khi chỉ khoảng chừng 2 - 3 năm đã rơi vào trạng thái yên vắng do nghèo nàn sản phẩm dịch vụ. Điểm yếu nhất của DLCĐ tại Quảng Nam hiện nay theo nhìn nhận của cấp quản lý là phát triển ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc, chưa có quy mô bài bản, thiếu sự liên kết nên hiệu quả không cao. Vì thế, các sản phẩm du lịch ra đời nghèo ý tưởng, rập khuôn. Ở các địa phương khác biệt về hoàn cảnh địa lý, tập quán sinh sống mà sản phẩm na ná nhau không có sức hấp dẫn.
Đại diện Sở VH-TT&DL cho rằng, các điểm đến DLCĐ của Quảng Nam có một số hạn chế nhất định. Từ việc thiếu sự gắn kết cộng đồng cho đến thiếu doanh nghiệp dựa vào cộng đồng để có thể tổ chức hoặc hỗ trợ người dân làm du lịch.
"Đơn cử làng Mường (huyện Bắc Trà My) là điểm đến đẹp, có yếu tố văn hóa đặc trưng gồm ẩm thực, nghệ thuật dân gian, nhảy sạp, kiến trúc nhà cửa, văn hóa tổ chức cộng đồng... Nhưng bây giờ do chính quyền quản lý không chặt chẽ nên tại đây phát triển du lịch manh mún, một số hộ dân tự phát làm chòi bán đồ ăn, sử dụng suối tắm, mâu thuẫn phân chia lợi ích...
Nguy cơ phá vỡ cảnh quan rất lớn. Trong khi tại làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) thì dù đẹp và cổ kính nhưng lại thiếu hẳn sức sống do dân ít, thiếu các hoạt động đời sống, thiếu hoạt động thuyết minh tại điểm đến" - đại diện Sở VH-TT&DL cho biết.
Yêu cầu một sản phẩm du lịch cần có hàm lượng văn hóa, tăng tính trải nghiệm cho du khách được đặt ra giữa bối cảnh DLCĐ đang phát triển rất mạnh mẽ. Độ tương tác giữa du khách với người dân cũng là điểm nhấn khi người dân được tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ chứ không phải ngồi chờ khách tới để có thu nhập, đồng thời cam kết gìn giữ môi trường, hạn chế tiếng ồn...
Trong đó, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đầu tàu hợp tác, tư vấn hướng dẫn người dân cùng làm, từ cách phục vụ đến hoàn thiện cơ sở dịch vụ. Đây chính là chìa khóa thành công của làng du lịch tốt nhất thế giới Tân Hóa khi họ thu hút được doanh nghiệp đầu tàu Oxalis cùng tham gia và nỗ lực vận hành, phát triển địa phương theo định hướng rõ ràng, nhất quán.
Khám phá thiên nhiên - trải nghiệm văn hóa - phát triển cộng đồng là ba chân kiềng bền vững để người dân bản địa kiếm sống bằng chính văn hóa của cha ông, thông qua du lịch. Đây chính là mục tiêu cuối cùng của câu chuyện phát triển DLCĐ.
TK
(Theo baoquangbinh.vn)
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giai-tri/du-lich-ve-lang/201070.htm