Du lịch Việt bứt tốc hút khách quốc tế
Ngành du lịch đang chứng kiến sự bứt tốc cả về lượng khách nội địa và khách quốc tế trong những tháng đầu năm. Đáng chú ý, du khách nước ngoài đợt này đã 'chịu chi' hơn.
Sau khi thất bại với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022, từ đầu năm 2023, ngành du lịch đẩy mạnh triển khai một loạt chương trình kích cầu, quảng bá, nhận diện đầy đủ khó khăn và lên chiến lược bài bản cho mục tiêu tăng trưởng hơn 100% - đón 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.
Khách quốc tế tăng mạnh và “chịu chi” hơn
Trong tháng 4, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng cao nhất từ đầu năm đến nay với hơn 984.000 lượt, tăng 9,9% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt cả năm 2022 cộng lại, đạt gần 3,7 triệu người. Con số này đã gần đạt một nửa lượng khách mục tiêu mà ngành du lịch đặt ra cho năm nay là 8 triệu lượt, dù chỉ mới 4 tháng. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 4 tháng qua, cán mốc 1 triệu lượt; tiếp theo là Mỹ (263.000 lượt). Trung Quốc đã vươn lên ở vị trí thứ 3 (252.000 lượt).
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho biết trong dịp lễ dài 5 ngày của Việt Nam, từ 29/4 - 3/5, đơn vị liên tục đón 10 đoàn khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không và tàu biển, mang theo hơn 5.000 du khách quốc tịch Đức, Pháp và các nước châu Á.
Trong đó, đường hàng không có 4 đoàn khách quốc tịch Pháp đều theo hành trình xuyên Việt kéo dài 10-15 ngày. Các du khách này tham gia hành trình tour hấp dẫn, điểm đến đặc sắc, phong phú các trải nghiệm thú vị mang đặc trưng riêng của từng vùng miền cùng dịch vụ chất lượng.
Sở Du lịch Hà Nội thông tin, 4 tháng đầu năm nay, đã có 1,44 triệu lượt khách quốc tế đến với Thủ đô, tăng 18 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội cũng nằm trong top những địa điểm được khách quốc tế đến thăm nhiều nhất tại Việt Nam.
Theo nhận định của các công ty du lịch, khách sạn, động lực tăng trưởng khách quốc tế đến từ thị trường Trung Quốc rất lớn. Tổng cục Du Lịch phân tích, sau khi Trung Quốc mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3, thị trường này đã đạt 112.000 lượt trong tháng 4, tăng 61,5% so với tháng 3 (tương đương 42.500 lượt khách), đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường.
Thêm vào đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đang được các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả. Điều này khiến lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng đáng kể. Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về lưu trú du lịch Việt Nam xếp thứ 11 trên thế giới, nằm trong nhóm có mức tăng từ 10% - 25%. Chỉ có Việt Nam và Philippines là quốc gia ở Đông Nam Á nằm trong nhóm đầu thế giới.
Một nguyên nhân nữa, cũng là quan trọng nhất, là sự tích cực của các địa phương trong việc đưa ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn các vị khách từ nước ngoài.
Gia tăng du lịch chi tiêu cao
Theo các chuyên gia du lịch, 8 triệu lượt khách quốc tế chỉ là mục tiêu về lượng, điều quan trọng hơn là cả về chất, tức là phải làm sao để du khách chi tiêu nhiều hơn khi đến Việt Nam.
Việt Nam nên thu hút loại khách quốc tế nào? Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, phó chủ nhiệm bộ môn quản trị du lịch và khách sạn, RMIT Việt Nam cho biết hiện Việt Nam đang theo đuổi chính sách thu hút càng nhiều khách quốc tế càng tốt. Theo Tiến sĩ Nuno, điều này không sai ở giai đoạn đầu phát triển du lịch. Nhưng khi Việt Nam đã đạt con số 20 triệu khách quốc tế trong một năm thì nên nhắm vào mục tiêu chất lượng khách hơn theo đuổi số lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng phát triển du lịch golf sẽ là một sản phẩm tiềm năng, đóng góp quan trọng trong việc thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam và giúp gia tăng chi tiêu của khách du lịch, góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch, tạo việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mỗi khách du lịch đến Việt Nam chơi golf chi tiêu 40 triệu đồng/5 ngày, chưa kể vé máy bay. Đây là mức cao so với mặt bằng khách du lịch hiện nay.
Đi chơi golf không chỉ cần mua lượt chơi mà còn cần sử dụng dịch vụ nhà hàng, khách sạn trước và sau trận đấu. Ngoài ra, là thời gian đi mua sắm đồ golf, đồ lưu niệm, thăm quan, du lịch những cảnh quan địa phương. Khi chơi golf kết hợp với du lịch, khách du lịch sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, do đó, việc hình thành khu phức hợp thể thao sẽ góp phần kích thích du lịch tại các địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng sân golf hiện tại của Việt Nam quá ít, nguồn lực rất thiếu. Vì vậy, muốn thu hút du lịch golf quốc tế vào Việt Nam Nam, các chuyên gia cho rằng cần mở rộng thị trường du lịch golf cho khách du lịch Châu Âu, Mỹ, Úc, Đông Nam Á... thông qua các hoạt động giao lưu golf, các giải đấu giữa đổi tuyển golf các nước và đội tuyển golf Việt Nam.
Các đại diện các doanh nghiệp du lịch và công ty kinh doanh khai thác sân golf kiến nghị, thời gian tới, Nhà nước cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 20% xuống 10%, hay 5% hoặc miễn phí.