Du lịch Việt 'chinh phục' thị trường khách 'khó tính'
Thu hút khách quốc tế là mối quan tâm hàng đầu của ngành Du lịch Việt Nam hiện nay. Có những thị trường khách được đánh giá là 'khó tính' bởi nhiều yêu cầu khắt khe, nhưng lại là dòng khách chi tiêu nhiều và có tiềm năng quay trở lại.
Bài học từ Thái Lan
Sau Trung Quốc, Ấn Độ đang là thị trường mục tiêu của nhiều ngành du lịch trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong hai quốc gia tỉ dân, với dân số trên 1,4 tỉ người và diện tích đứng thứ 7 toàn cầu. Bởi vậy, Ấn Độ luôn được xem là thị trường du lịch hấp dẫn, một số thành phố như Mumbai, Delhi, Kolkata... đều có mức thu nhập cao.
Ví dụ điển hình là ngành du lịch Thái Lan đã ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng sau khi mở cửa hoàn toàn vào năm 2022, trong đó có đóng góp không nhỏ từ thị trường Ấn Độ. Theo ghi nhận của Tổng cục Du lịch Thái Lan, trong tháng đầu tiên sau khi mở cửa trở lại, lượng khách Ấn Độ đã chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số lượng khách nước ngoài đến xứ sở chùa vàng, vượt qua cả Anh, Đức…
Sau dịch, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều ưu đãi, khuyến khích khách Ấn Độ. Có thể kể đến “bong bóng du lịch hàng không” tạo điều kiện cho các chuyến bay thẳng giữa 2 nước cùng nhiều chương trình khuyến mãi. Sự kiện Sàn giao dịch Du lịch và Lữ hành Nam Á năm 2022 tại New Delhi có sự tham dự của một số quan chức cấp cao của Thái Lan, nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt với thị trường này. Các doanh nghiệp nội địa nhanh chóng điều chỉnh hoạt động để thích ứng với thực tế mới, chẳng hạn, công viên nước lớn nhất Thủ đô Bangkok – Suan Siam – đã kịp thời bổ sung bữa sáng kiểu Ấn Độ để phục vụ dòng khách này.
Bên cạnh đó, Thái Lan còn hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ, góp phần tạo động lực phát triển các loại hình du lịch sức khỏe, du lịch MICE, … giữa hai nước. Đáng nói, chiến lược thu hút khách Ấn Độ của Thái Lan đã bắt đầu từ trước dịch, vào năm 2019, ngành du lịch nước này đã đón gần 2 triệu lượt khách Ấn Độ, tạo ra doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD.
Với tiềm năng to lớn như vậy, có thể thấy, chỉ riêng trong Đông Nam Á, ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn đến từ các nước Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia để thu hút dòng khách Ấn Độ. Một số chuyên gia cho rằng, ưu điểm lớn nhất của chuyến du lịch đến Việt Nam so với trong khu vực là giá thành dịch vụ rẻ hơn từ 10-15% nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Việt Nam còn có những công trình, văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh có sự ảnh hưởng và giao lưu với nền văn hóa Ấn Độ cổ xưa, do đó dễ có sự giao thoa để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng cho dòng khách này. Đồng thời, cảnh sắc thiên nhiên đẹp, đa dạng, hoang sơ ở nước ta cũng phù hợp để quay phim truyền hình, phim tài liệu phục vụ nền điện ảnh Bollywood của Ấn Độ.
Đây có thể là một số trong những nguyên nhân khiến cho Ấn Độ nằm trong top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam trong thời gian qua, theo công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights. Lượng tìm kiếm từ thị trường Ấn Độ cũng có xu hướng tăng khá nhanh kể từ sau dịch COVID-19.
Gần đây, hơn 20 công ty lữ hành, cơ quan xúc tiến, báo chí, truyền thông Ấn Độ đã có chuyến tham quan, khảo sát dịch vụ tại Đà Nẵng, Hội An, Huế, thể hiện mối quan tâm của ngành du lịch Ấn Độ với những điểm đến này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng du khách Ấn Độ đến Việt Nam năm 2022 đạt 137.900 lượt, xếp thứ 9/10 thị trường gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất, tốc độ tăng trưởng khách đạt bình quân 45%/tháng.
“Chìa khóa” là năng lực phục vụ du khách
Nhiều ý kiến cho rằng du khách Ấn Độ “khó tính”, tuy nhiên cần hiểu rằng sự “khó tính” này đến từ sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng và thói quen sinh hoạt hàng ngày giữa Ấn Độ và Việt Nam, do đó họ có nhiều đòi hỏi riêng biệt. Những du khách cũng được xem là “khó tính” khác như Nhật Bản, châu Âu,… đều có những tiêu chuẩn riêng với điểm đến và lịch trình du lịch. Bên cạnh đó, những dòng khách này thường có khả năng chi trả cao, hay giới thiệu bạn bè hoặc quay trở lại những điểm đến họ yêu thích khi có cơ hội. Nhìn từ bài học của Thái Lan, vấn đề không nằm ở sự “khó tính” của du khách mà ở năng lực phục vụ của ngành du lịch có đủ tốt để thuyết phục những du khách “khó tính” với những tiêu chuẩn khắt khe hay không.
Đáng nói, việc cải thiện năng lực phục vụ du khách có thể bắt đầu từ những cử chỉ, thái độ nhỏ nhất, đơn cử như nụ cười. Tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” mới đây do Báo Đầu tư tổ chức, ông Martin Koerner – Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã thẳng thắn góp ý: “Có lẽ cần bồi dưỡng cho các cán bộ tại sân bay biết mỉm cười. Điều này có nghĩa rằng họ gửi tín hiệu hoan nghênh khách du lịch nước ngoài tới. Ngay từ điểm đầu và điểm cuối của trải nghiệm khách du lịch đến sẽ để lại ấn tượng rất mạnh, cho họ thấy rằng “Chúng tôi sẵn sàng chào đón quý vị””. Vị chuyên gia còn nói thêm, nhân viên khách sạn và các dịch vụ du lịch khác cũng cần học cách mỉm cười để du khách quốc tế cảm thấy được sự thân thiện tại điểm đến.
Tại Việt Nam, nụ cười từng là chủ đề chính trong chiến dịch quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2014 với chương trình “Nụ cười Hạ Long”. Thậm chí, vào năm 2015, tỉnh đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử Nụ cười Hạ Long. Với nỗ lực kêu gọi mỗi người dân hãy mỉm cười một cách chân thành, cởi mở, rạng rỡ nhất có thể, Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng thương hiệu du lịch mến khách, lịch thiệp. Trước đó, thành phố Đà Nẵng cũng là điểm đến tích cực thúc đẩy nụ cười trong du lịch. Điều đáng tiếc là chỉ mới có một số địa phương chú trọng đến vấn đề này.
Ngoài ra, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước cũng nhiều lần nêu rõ những yếu tố quan trọng cần chuẩn bị hoặc hoàn thiện để phục vụ tốt thị trường tỷ dân này, bao gồm: chính sách nhập cảnh, khảo sát thói quen du lịch của những thị trường nội địa tiềm năng tại Ấn Độ, hình thành những dịch vụ du lịch phù hợp với yêu cầu của khách, chuẩn bị đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa am hiểu văn hóa và có kinh nghiệm phục vụ khách Ấn Độ,…