Du lịch Việt Nam khai thác tối đa các thị trường gần
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến khó lường và cạnh tranh điểm đến ngày càng gia tăng, du lịch Việt Nam cần mở rộng nguồn khách, khai thác tối đa các thị trường gần, thị trường truyền thống, hoàn thiện dịch vụ, quản lý điểm đến...
Làm mới thị trường
Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, tạo ra doanh thu 980.000 tỷ đồng đến 1,05 triệu tỷ đồng, đóng góp 5,5 triệu việc làm cho nền kinh tế. Đến năm 2030, du lịch Việt Nam đặt tham vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu thu hút khoảng 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, ngành du lịch sẽ tập trung vào các thị trường chiến lược dựa trên 3 tiêu chí quan trọng: chính sách miễn thị thực, kết nối đường bay thuận lợi và tiềm năng tăng trưởng cao.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Những chương trình kết nối doanh nghiệp, giới thiệu điểm đến và mở rộng hợp tác chiến lược sẽ được triển khai nhanh và mạnh, tận dụng lợi thế từ hệ thống đường bay thuận lợi cùng chính sách thị thực ngày càng cởi mở.
Theo nghiên cứu mới nhất của The Outbox Company, Malaysia và Hàn Quốc đang nổi lên như những thị trường đầy tiềm năng.
- Malaysia là một trong những nguồn khách lớn nhất Đông Nam Á, với tổng chi tiêu du lịch nước ngoài đạt 11,2 tỷ USD vào cuối năm 2023. Đáng chú ý, có đến 84% người dân Malaysia có kế hoạch du lịch quốc tế trong thời gian tới, với tần suất trung bình 1,9 chuyến trong vòng 6 tháng.
- Hàn Quốc tiếp tục là thị trường có mức chi tiêu du lịch hàng đầu châu Á, tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế đạt khoảng 27,8 tỷ USD trong năm 2024. Việt Nam hiện nằm trong nhóm điểm đến hàng đầu của du khách Hàn Quốc. Đây là cơ hội lớn để ngành du lịch Việt Nam triển khai các chiến dịch tiếp thị chuyên biệt, tập trung khai thác thị phần du lịch cao cấp từ thị trường này.
Thực tế, thị trường châu Á vẫn giữ vai trò chủ lực khi đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024. Đáng chú ý, 4 thị trường lớn của khu vực Đông Bắc Á, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, chiếm gần 60% tổng lượng khách tới Việt Nam, với mức chi tiêu cao và xu hướng du lịch ổn định.
Không chỉ đẩy mạnh thu hút khách quốc tế, ngành du lịch còn chú trọng nâng cấp chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới như du lịch hội nghị (MICE), du lịch golf…; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ số trong quản lý.
Đa dạng hóa nguồn khách
Xu hướng tìm kiếm trực tuyến cho thấy, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ du khách quốc tế. 10 điểm đến được du khách nước ngoài tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam gồm: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế và Vũng Tàu. Ngoài các đô thị lớn, du khách vẫn dành sự quan tâm đến các địa danh biển đảo và văn hóa di sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng của ngành du lịch phần lớn nhờ vào chính sách thị thực cởi mở và chiến dịch xúc tiến quảng bá đột phá trong năm 2024. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sỹ, áp dụng từ ngày 1/3/2025 đến hết năm 2025 với thời gian lưu trú tối đa 45 ngày. Chính sách này hứa hẹn sẽ thu hút thêm du khách từ châu Âu, mở rộng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.
Đánh giá một cách khách quan, dù du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn có những thị trường gặp khó, đặc biệt là Trung Quốc và châu Âu. Chuyên gia kinh tế Michael Kokalari (VinaCapital) chỉ ra rằng, sự suy giảm kinh tế và bất ổn địa chính trị có thể khiến lượng khách từ 2 khu vực này phục hồi chậm hơn dự kiến.
Riêng với Trung Quốc - thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam trước đại dịch Covid-19, lượng khách vẫn chưa trở lại mức trước năm 2020. Các yếu tố như chính sách khuyến khích du lịch nội địa, ưu tiên các điểm đến miễn thị thực và việc Trung Quốc vẫn hạn chế du lịch theo đoàn đến một số quốc gia đã ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của thị trường này.
Trong chiến lược mở rộng thị trường, nhóm khách nói tiếng Anh từ Australia, New Zealand, Anh, Mỹ và Canada được đánh giá là nguồn khách quan trọng trong năm 2025. Việt Nam hiện nằm trong danh sách các điểm đến hàng đầu của du khách Australia, theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Australia.
Ông Nguyễn Hạnh, Tổng giám đốc Intrepid Travel tại Việt Nam chia sẻ, các tour du lịch Việt Nam hiện nằm trong top 8 điểm đến toàn cầu mà Intrepid đang khai thác. “Trong danh sách 20 tour bán chạy nhất của Intrepid Travel, Việt Nam có đến 3 sản phẩm. Chúng tôi kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2025”, ông Hạnh nói.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-lich-viet-nam-khai-thac-toi-da-cac-thi-truong-gan-d248607.html