Du lịch Việt Nam sẵn sàng đón khách đoàn Trung Quốc
Thị trường du khách Trung Quốc được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế trong năm 2023.
Chính phủ Trung Quốc (TQ) vừa quyết định đưa Việt Nam (VN) vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ ngày 15-3.nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch cho biết đều đã trong tâm thế sẵn sàng đón khách TQ trở lại sớm nhất với chất lượng dịch vụ cao nhất.
Chủ động đón khách Trung Quốc
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho biết công ty đã sẵn sàng đón khách quốc tế từ đất nước tỉ dân. Trước dịch COVID-19, lượng khách quốc tế các thị trường nói tiếng Hoa chiếm tới 60% doanh thu của công ty. Do đó, việc TQ mở cửa lại thị trường đem kỳ vọng lớn cho DN. “Việc mở cửa cho khách TQ là nhu cầu cần thiết giữa hai nước. Thời gian đầu khách TQ đến VN chưa thể ồ ạt được mà phải từng bước. Từ ngày 15-3, VN mới chỉ đón đoàn khách nhỏ, để đón lượng khách đông e rằng phải chờ đến mùa hè năm nay” - ông Thành nói.
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9-3, trả lời câu hỏi của PV về thông tin TQ đưa VN vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: Hợp tác du lịch là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa VN và TQ và cũng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong giao lưu nhân dân. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, TQ là quốc gia có lượng khách du lịch lớn nhất đến VN. VN cũng là đối tác hàng đầu của TQ về du lịch.
“Trong thời gian qua, chúng tôi đã duy trì trao đổi chặt chẽ với TQ về thúc đẩy hợp tác du lịch, trong đó có khôi phục du lịch theo đoàn. Theo thông tin mới nhất, chính phủ TQ dự kiến sẽ đưa VN vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15-3 tới đây” - phó phát ngôn nói.
V.THỊNH
Theo ông Thành, các đối tác TQ cũng cần thời gian ổn định tổ chức, tìm kiếm, đào tạo lại nhân lực du lịch, kết nối lại với các đối tác, quảng bá sản phẩm. Về phía các hãng hàng không cần điều chỉnh lịch bay từ ngày 15-3, làm sao cho tần suất bay được tăng lên phục vụ đón khách TQ.
phấn khởi trước thông tin này, anh Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng, cho biết hiện tại khách sạn này chỉ được các công ty lữ hành hỏi giá, báo giá chứ chưa có công ty nào book phòng cho khách. “Khách TQ là một thị trường lớn cho ngành du lịch Đà Nẵng. Sau dịch COVID-19, chúng tôi mong muốn các cơ chế thông thoáng về visa, thị thực để khách TQ có thể lưu trú lâu hơn” - anh Duẩn nói.
Anh Duẩn cho biết thêm hiện tại nhiều khách sạn nhỏ đã đóng cửa, còn các khách sạn có lượng phòng lớn như Mường Thành chỉ hoạt động cầm chừng chứ chưa bao giờ full phòng. Anh Duẩn cho rằng lượng khách TQ vào đông, các khách sạn nhỏ được lấp đầy thì mới có cơ hội cho các khách sạn lớn lấp đầy phòng hoặc thị phần khách hạng sang sẽ chọn những khách sạn cao cấp.
Cần sự nỗ lực của các địa phương
Về phía các địa phương, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết ngành du lịch TP.HCM tiếp tục xác định TQ là thị trường du lịch truyền thống và trọng điểm. TP đang đẩy mạnh xúc tiến sẽ tập trung vào nhóm khách trung cấp, cao cấp và tập trung quảng bá điểm đến TP hấp dẫn tại các TP như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến...
“TP.HCM đã đôn đốc chỉ đạo các đơn vị lữ hành chủ động liên lạc, thương thảo nối lại hoạt động đưa khách du lịch từ TQ đến TP.HCM. Ngoài ra, các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP chỉnh trang sẵn sàng phương án đón khách. Bên cạnh đó, sở cùng các DN chuẩn bị lại nguồn hướng dẫn viên tiếng Hoa để đáp ứng thị trường khách này” - vị này nói.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, đánh giá thị trường TQ là thị trường lớn của tất cả nước trên thế giới không chỉ riêng VN. “Mặc dù chúng ta đã trễ một nhịp nhưng không phải là quá muộn để đón lại khách từ thị trường TQ. DN du lịch đã sẵn sàng từ năm 2022 trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Sự kiện là tín hiệu tốt, đặc biệt là địa phương đón khách đường bộ và đường hàng không” - ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, TQ là thị trường có tính đặc thù riêng. Trước đây, lượng khách này đến VN đông nhưng có trở ngại về khâu tổ chức. “Để đón lượng khách lớn, VN phải làm như thế nào để kiện toàn dịch vụ du lịch để đón khách TQ, thông luồng một cách khoa học để không xảy ra xung đột với thị trường khác. Chính quyền địa phương của các điểm đến cần sự hỗ trợ các ngành, các cấp trong việc nghiên cứu đặc tính, đặc thù khách du lịch TQ, nghiên cứu sản phẩm du lịch” - ông Thủy nói.
Còn theo đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, sở đã chủ động yêu cầu các đơn vị, DN nâng cao chất lượng, làm mới và phát triển mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ; quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số thị trường ngoài nước có nhiều tiềm năng, triển vọng... Đến thời điểm này, các DN du lịch đã tập trung đào tạo đội ngũ lao động tại cơ sở lưu trú, lữ hành, trung tâm mua sắm đã sẵn sàng đón khách.
Cần gỡ chính sách về visa du lịch
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết đây là một tín hiệu tốt với các DN lữ hành VN nói chung và DN có thế mạnh khai thác thị trường khách TQ nói riêng. Khách TQ là thị trường hướng ngoại lớn nhất thế giới. Ngoài ra, chi tiêu cho du lịch của khách TQ cũng ở mức cao. Vì thế, đây luôn là thị trường nguồn quan trọng đối với mọi quốc gia điểm đến, trong đó có VN.
“Khách TQ là thị trường quen thuộc đối với các DN du lịch ở Đà Nẵng. Tất cả DN du lịch đã dự đoán từ trước và sẵn sàng đón khách quốc tế, đặc biệt là khách TQ. Trước thông tin này, nhiều DN du lịch cảm thấy phấn khởi” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết khi khách đoàn TQ sang VN, hoạt động du lịch, lữ hành cùng các dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng, bán đồ lưu niệm, vận tải... chắc chắn sẽ khởi sắc. Chưa kể doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch TQ, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của VN cũng sẽ có cơ hội phát triển.
Ngoài ra, ông Dũng cũng khuyến cáo các DN cần có sự chọn lọc, không nên đón khách một cách ồ ạt, mất cân đối, dễ gây nên sự tắc nghẽn về điểm đến. Thêm vào đó, không nên quá phụ thuộc, đặt trọng tâm vào chỉ một, hai thị trường, điều này sẽ gây nên sự thụ động, mất cân đối và dễ chịu ảnh hưởng lớn nếu thị trường đó có biến động. Thay vào đó, DN phải khai thác cân đối nguồn khách quốc tế từ các thị trường khác để phát triển ổn định, lâu dài.
Theo ông Trần Dương Duy, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch Trần Gia, hiện tại người TQ xin visa du lịch đến VN rất khó khăn. Đa phần họ phải xin vào VN bằng visa việc làm hoặc đi qua Hong Kong để xin visa vào VN. “Tôi nghe thông tin chính thức từ người có thẩm quyền của hai bên xác nhận việc sẽ mở khách đoàn TQ đến VN nên rất phấn khởi. Tuy nhiên, sắp tới cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp visa du lịch” - ông Duy nói.•
Các hãng hàng không gấp rút xin slot, lên kế hoạch bán vé
Đại diện một số hãng hàng không có đường bay đi và đến TQ chia sẻ đây là tín hiệu vui với ngành hàng không và du lịch, bởi đường bay này đã tạm ngưng khai thác thường lệ ba năm nay. Để tận dụng lịch bay cao điểm hè, các hãng đang gấp rút xin slot, lên kế hoạch bán vé, chuẩn bị máy bay, sắp xếp nhân sự…
Đại diện Bamboo Airways chia sẻ hiện hãng chưa có đường bay thường lệ đến TQ nên chỉ khai thác các chuyến bay charter. Còn theo Vietnam Airlines, tính đến tháng 4, hãng đã khôi phục tổng cộng 9/10 đường bay tới TQ.
Cục Hàng không VN đánh giá TQ là thị trường quốc tế lớn thứ hai của VN (chỉ sau thị trường Hàn Quốc) với lượng hành khách đi lại phần lớn là khách du lịch. VN có bốn hãng hàng không khai thác 72 đường bay từ năm điểm tại VN đến TQ. Nhà chức trách hàng không đánh giá sau khi TQ dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế thường lệ từ đầu tháng 1, các hãng hàng không VN đều xây dựng kế hoạch khai thác thị trường này với các bước đi thận trọng, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh. PHONG ĐIỀN
Nguồn PLO: https://plo.vn/du-lich-viet-nam-san-sang-don-khach-doan-trung-quoc-post723214.html