Du lịch Việt Nam sẽ 'cất cánh' nếu mở cửa đón khách quốc tế ngay trong tháng 2
Việc Việt Nam có thể đưa ra quyết định mở cửa du lịch quốc tế ngay ở thời điểm này được các chuyên gia nhìn nhận như là một quyết sách vô cùng chiến lược để tận dụng 'thời điểm vàng' nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam 'cất cánh'.
Lợi thế nếu mở cửa du lịch sớm
Sau 4 tháng sống chung với đại dịch COVID-19, nhiều ngành nghề kinh tế đã bước vào giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ, nhất là du lịch quốc tế chưa thực sự mở cửa trở lại.
Trong văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Gia Bình, đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết: Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển ngành du lịch quốc tế, nếu nhanh chóng mở cửa trở lại.
Việc Việt Nam có thể đưa ra quyết định mở cửa du lịch quốc tế ngay ở thời điểm này được các chuyên gia nhìn nhận như là một quyết sách vô cùng chiến lược để tận dụng “thời điểm vàng” nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam “cất cánh”.
Ông Bình phân tích: Một số nước là thị trường du lịch có yếu tố “cạnh tranh” với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản,... nhóm các nước có tập quán “ăn đũa”, vốn có sức hút rất lớn với du khách quốc tế đặc biệt là khách Châu Âu, Mỹ, thì hiện vẫn đang trong tình trạng “nói không với Covid" hoặc duy trì các quy định ngặt nghèo với mọi đối tượng nhập cảnh.
Vì thế, việc Việt Nam có thể đưa ra quyết định mở cửa du lịch quốc tế ngay ở thời điểm này được các chuyên gia nhìn nhận như là một quyết sách vô cùng chiến lược để tận dụng “thời điểm vàng” nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam “cất cánh”.
Ngoài ra, rất nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng đánh giá, việc mở cửa du lịch quốc tế ngay từ đầu năm 2022 sẽ góp phần rất lớn để khơi thông dòng đầu tư quốc tế và các giao dịch thương mại – xuất nhập khẩu với Việt Nam vì hiện nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thị trường Việt Nam nhưng còn gặp khó khăn khi chưa có cơ chế để đi lại thuận lợi.
Cũng theo ông Trương Gia Bình, vừa qua, Việt Nam đã tiến hành thí điểm thực hiện đón khách du lịch quốc tế vào 07 địa phương (5 địa phương giai đoạn 1 và bổ sung thêm 02 địa phương ở giai đoạn 2).
Với số lượng 8.500 khách quốc tế tới Việt Nam trong 2 tháng thí điểm vừa qua, mặt ưu điểm được các bên liên quan đồng thời ghi nhận đó là không có các sự cố hay các tình huống rủi ro nào lớn phát sinh trong quá trình tổ chức, du khách tới Việt Nam cũng không tạo thêm nhiều áp lực cho bài toán phòng, chống dịch trong nước. Tuy nhiên, đây mới là đánh giá bước đầu bởi số liệu thí điểm còn ở quy mô rất nhỏ.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các quy trình hoặc không rõ ràng về quy trình để xử trí với các tình huống khác nhau về tình trạng y tế của du khách, và việc tồn tại các quy định hết sức ngặt nghèo, tạo nên trải nghiệm hoàn toàn không tốt cho du khách, như quy định cách ly, các yêu cầu giấy tờ hành chính hàng loạt, yêu cầu mặc bảo hộ khi lên máy bay, hạn chế khả năng di chuyển đi lại…
Đặc biệt, việc các địa phương vẫn áp dụng các biện pháp hành chính hoàn toàn khác nhau cho dù cùng cấp độ dịch... được đánh giá là những vấn đề phải cải thiện nhanh chóng để mở cửa thực sự với du lịch quốc tế.
4 đề xuất mở cửa du lịch quốc tế
Trước tình hình và thực trạng nêu trên, ông Bình đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 4 vấn đề chính.
Thứ nhất, ông Bình đề xuất Thủ tướng Chính phủ lựa chọn và đưa ra một quyết sách chiến lược dựa trên kết quả hết sức ấn tượng về phòng chống dịch, tiêm vắc xin trong nước, đã được các chuyên gia y tế uy tín phân tích, kiểm chứng từ các yếu tố dịch tễ, để thể hiện chủ trương nhất quán, ý chí quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc khôi phục kinh tế ngay trong năm 2022.
Đại diện Ban IV đề nghị mở cửa du lịch quốc tế ngay trong tháng 2.
Đồng thời không để bị lỡ nhịp bứt phá so với các quốc gia khác trong khu vực. Đó là: công bố “Thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam” ngay trong đầu tháng 2 để các địa phương cùng các doanh nghiệp ngành du lịch, hàng không có mốc thời gian nhằm xây dựng các kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực hiệu quả, sẵn sàng đón khách quốc tế.
Thứ hai, đại diện Ban IV đề xuất Thủ tướng chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để Bộ Y tế và các Bộ, ngành bắt tay ngay vào việc cải thiện các quy trình, quy định hiện hành liên quan tới đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, với tinh thần cắt hoặc giảm tối đa các quy định phức tạp, không cần thiết để tăng cường các trải nghiệm chất lượng cho du khách.
Ba là, để tận dụng “thời cơ vàng” và tạo động lực cho ngành du lịch bứt phá nhanh hơn nữa, đề xuất Chính phủ cho khôi phục lại chương trình miễn VISA cho khách du lịch quốc tế tại các thị trường trọng điểm như năm 2019 và tiếp tục đẩy mạnh chính sách này với các thị trường tiềm năng khác để thu hút khách quốc tế tới Việt Nam.
Cuối cùng, để tăng cường năng lực y tế trong nước nhằm sẵn sàng ứng phó, cung cấp các giải pháp giải quyết các bài toán phát sinh khác nhau với du khách trong quá trình mở cửa du lịch quốc tế, nhất là cung cấp các dịch vụ y tế có nền giao tiếp tiếng Anh, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị tại kết luận số 25/KL-TW ngày 30/12/2021.
Trong đó có chủ trương cho phép “các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid 19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện” và truyền thông, khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân nghiên cứu, phát triển, mở rộng đầu tư cho các dịch vụ tiềm năng.
“Việc xem xét mở cửa sớm du lịch quốc tế để tạo cơ hội và động lực cho quá trình phục hồi một ngành kinh tế hết sức quan trọng, giúp tái thiết công văn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành này cũng như hàng triệu lao động các ngành, lĩnh vực liên quan khác”, ông Bình nhấn mạnh.