Du lịch vươn tầm, nông nghiệp nâng chất: Kỳ 2 - Nâng tầm đặc sản, kiến tạo chuỗi giá trị

Nếu du lịch là “cánh cửa” đưa Hà Giang vươn ra thế giới, tạo cơ hội giao lưu và phát triển thì nông nghiệp đặc hữu chính là “gốc rễ” gìn giữ bản sắc độc đáo của miền biên viễn cực Bắc. Nhờ tư duy mới, cách làm sáng tạo của tỉnh, những sản vật tinh túy từ núi rừng không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn dần khẳng định vị thế trên thị trường.

Kiến tạo vành đai nông sản đặc trưng...

Với hơn 80% dân số sống ở nông thôn, tỉnh Hà Giang đã hình thành nền sản xuất nông nghiệp ổn định. Tuy nhiên, tiềm năng lớn từ đất đai, khí hậu đặc thù chưa được khai thác hiệu quả để tạo ra sản phẩm khác biệt, cạnh tranh cao. Nhiều đặc sản địa phương dù có mặt trên thị trường nhưng thương hiệu còn yếu, giá trị kinh tế chưa tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những “nút thắt” như: Quy hoạch vùng sản xuất chưa bài bản, tư duy sản xuất hàng hóa còn chậm, trình độ canh tác thấp, ứng dụng khoa học, kỹ thuật còn hạn chế và thiếu chính sách đầu tư đủ mạnh để tạo đột phá.

Người dân xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) bảo tồn và khai thác hiệu quả chè Shan tuyết cổ thụ. Ảnh: Thu Phương

Người dân xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) bảo tồn và khai thác hiệu quả chè Shan tuyết cổ thụ. Ảnh: Thu Phương

Từ thực tiễn đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định đột phá chiến lược: Phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị gắn với du lịch. Đây là bước chuyển mạnh từ sản xuất manh mún sang tư duy kinh tế nông nghiệp hiện đại. Cụ thể hóa chủ trương này, ngày 10.10.2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 17, tập trung khai thác lợi thế từng tiểu vùng, đầu tư phát triển 5 cây trồng chủ lực (cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản, Tam giác mạch) và 3 con vật nuôi đặc trưng (bò Vàng, lợn Đen, ong Bạc hà), hướng tới xây dựng thương hiệu, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp thông minh và bền vững.

Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, nhiều cây trồng, vật nuôi bản địa được đầu tư bài bản, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa rõ nét. Riêng nhóm cây ăn quả ôn đới, tỉnh đã chủ động sản xuất giống chất lượng cao từ cây đầu dòng, tạo bước tiến dài trong chuỗi giá trị. Tính đến nay, đã có 500 cây hồng, 41.000 cây lê, 9.000 cây mận được nhân giống thành công. Cùng với đó, tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và 2 huyện phía Tây là Hoàng Su Phì, Xín Mần, diện tích vùng nguyên liệu tập trung được mở rộng với hơn 690 ha Hồng không hạt (trồng mới 3,5 ha), 630 ha mận Máu (trồng mới 50 ha) và gần 1.100 ha lê (trồng mới 55 ha).

Bên cạnh cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết với hương vị đặc trưng và bề dày văn hóa đã trở thành “vàng xanh” của núi rừng Hà Giang. Hiện toàn tỉnh có gần 14.000 ha chè Shan tuyết tại 43 xã thuộc 6 huyện, mang lại giá trị sản xuất trên 760 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, toàn tỉnh còn có 1.324 cây chè cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam, phân bố ở độ cao trên 600m, khẳng định giá trị di sản và tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo.

Không dừng ở kết quả trên, toàn tỉnh có hơn 30.000 ha dược liệu quý như: Sa nhân, Đương quy, quế, hồi, nghệ, gừng, Thảo quả – được ví như những “báu vật” dưới tán rừng. Riêng Thảo quả Vị Xuyên đã được cấp chỉ dẫn địa lý, khẳng định giá trị và thương hiệu trên thị trường. Ấn tượng hơn, sự tham gia tích cực của Công ty Cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng, Hợp tác xã (HTX) Nam dược Mạc Minh đã góp phần hình thành chuỗi liên kết khép kín từ trồng trọt đến chế biến sâu, mở ra hướng đi bền vững cho ngành dược liệu.

Trên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, vùng lúa đặc sản chất lượng cao được gieo trồng ổn định tại 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần với diện tích gần 7.000 ha. Năng suất lúa bình quân đạt 57,3 tạ/ha, tổng sản lượng lúa toàn vùng vượt mốc 40.000 tấn với giá bán dao động từ 28 – 45 nghìn đồng/kg. Các giống lúa quý như Già Dui, Nếp Quảng Nguyên, Gạo đỏ được sản xuất theo hướng hữu cơ, từng bước nâng cao giá trị nông sản và khẳng định thương hiệu gạo đặc sản nơi rẻo cao. Còn tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, hơn 500 ha Tam giác mạch không chỉ cung cấp lương thực mà còn là điểm nhấn du lịch với Lễ hội hoa Tam giác mạch thường niên, mang lại giá trị sản xuất đạt gần 10 tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ có cây trồng đặc hữu, tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn còn sở hữu nguồn gen vật nuôi bản địa quý. Trong đó, tổng đàn bò Vàng vượt 105.000 con, sản phẩm thịt tươi và bò khô trở thành đặc sản hấp dẫn phục vụ du lịch ẩm thực. Còn lợn đen với đặc tính thịt chắc, thơm ngon đang phát triển mạnh, tổng đàn trên 160.000 con, sản lượng hơn 5.300 tấn, giá trị sản xuất đạt gần 564 tỷ đồng. Ngoài ra, với lợi thế cây Bạc hà sinh trưởng tốt, toàn vùng đã hình thành nghề chăn nuôi ong lấy mật từ hoa Bạc hà, quy mô lên đến hơn 49.000 tổ ong. Mật ong Bạc hà thơm ngọt, sánh vàng đã trở thành đặc sản trứ danh riêng có của Hà Giang.

Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với huyện Đồng Văn tổ chức đấu giá bò Vàng Hà Giang. Ảnh: PV

Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với huyện Đồng Văn tổ chức đấu giá bò Vàng Hà Giang. Ảnh: PV

Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Đỗ Quốc Hương chia sẻ: Hàng năm, huyện triển khai khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ hơn 1.100 ha Bạc hà/16 xã, thị trấn. Hiện toàn huyện có 1 doanh nghiệp, 4 HTX và 705 hộ chăn nuôi ong theo phương thức truyền thống. Năm 2024, toàn huyện duy trì 15.800 đàn ong, cho sản lượng mật đạt 50,8 nghìn lít, mang lại giá trị sản xuất hơn 25,4 tỷ đồng.

… Tạo đà tăng trưởng

Hiện nay, toàn tỉnh có 201 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao, trở thành minh chứng sinh động cho nỗ lực chuẩn hóa và nâng tầm giá trị nông sản địa phương. Nhiều sản phẩm đặc trưng như: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, Hồng không hạt, gạo Già Dui, Thảo quả và bò Vàng đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, 3 sản phẩm gồm: Hồng không hạt Yên Minh, mận Máu Hoàng Su Phì, Lê Đồng Văn được cấp nhãn hiệu tập thể, góp phần khẳng định vị thế nông sản Hà Giang trên thị trường.

Với khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù, huyện Hoàng Su Phì được mệnh danh là “thủ phủ” chè Shan tuyết với gần 4.300 ha đang cho sản phẩm, đạt trên 9.000 tấn chè búp tươi/năm; trong đó, hơn 2.000 ha đạt chuẩn hữu cơ Việt Nam và châu Âu. Sau chế biến, cho khoảng 1.800 tấn chè thành phẩm. Riêng vùng chè tại xã Túng Sán và Thông Nguyên có 105 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ với sự tham gia của 215 hộ dân liên kết cùng HTX Chế biến chè Phìn Hồ – đơn vị duy nhất của tỉnh có 2 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Ngoài ra, toàn huyện có 57 cơ sở sơ chế, chế biến chè Shan tuyết với tổng sản lượng ước đạt 13.000 tấn/năm. Các dòng sản phẩm chè không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, châu Âu. Nổi bật trong đó, Công ty TNHH Trà Việt Shan (xã Nậm Ty) đã phát triển 20 dòng chè cao cấp, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn thành phẩm. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp này xuất khẩu trên 5 tấn chè sang Đức và Pháp, đạt doanh thu hơn 12,5 tỷ đồng. Để góp phần tạo nên thành công này, doanh nghiệp đã liên kết sản xuất với hơn 200 hộ dân của xã Nậm Ty và các xã lân cận nhằm hình thành vùng nguyên liệu chất lượng. Mỗi năm, Công ty thu mua hơn 100 tấn chè búp tươi cho các hộ dân với giá dao động từ 20 – 400.000 nghìn đồng/kg, tùy vào chất lượng và quy cách hái chè – anh Triệu Văn Mềnh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Việt Shan chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm chất lượng, trên địa bàn tỉnh đang hình thành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững với 246 tổ hợp tác, 85 HTX nông nghiệp và 14 doanh nghiệp tích cực tham gia chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm. Sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân, HTX và doanh nghiệp trở thành “chìa khóa” mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, chinh phục thị trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Với tư duy đổi mới, linh hoạt trong hành động, thúc đẩy mô hình liên kết “4 nhà”, huyện Xín Mần đã trở thành điểm sáng trong liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.

Năm 2021, huyện Xín Mần hợp tác với Công ty TNHH Việt Nam – Misaki trồng thí điểm 4 ha củ cải hữu cơ tại xã Xín Mần. Sau 3 tháng cho thu hoạch 120 tấn củ, giá trị đạt hơn 80 triệu đồng/ha, cao gấp 4 lần so với trồng ngô truyền thống. Thành công này đã mở ra cánh cửa mới để nông sản Xín Mần vươn ra khỏi vườn nhà, chinh phục thị trường Nhật Bản. Nhằm đảm bảo sợi dây liên kết không bị đứt gãy, năm 2022, HTX Nông nghiệp Xín Mần – Misaki (xã Nàn Ma) chính thức ra đời, trở thành “vệ tinh” của Công ty TNHH Việt Nam – Misaki. Từ đây, một hệ sinh thái sản xuất, sơ chế, tiêu thụ nông sản được hình thành, tạo việc làm cho 20 – 35 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, HTX còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm củ cải với tổng diện tích 7 ha của 18 hộ dân trong vùng liên kết với giá 2.000 đồng/kg, giúp các hộ có thu nhập từ 120 – 200 triệu đồng/2 vụ/năm. Ngoài củ cải, HTX còn liên kết với 60 hộ dân trồng gần 20 ha gừng Trâu, củ Kiệu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, HTX đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản hơn 540 tấn củ cải, 70 tấn củ Kiệu, 120 tấn gừng Trâu muối với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 13 tỷ đồng.

Từ những kết quả tích cực trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp. Năm 2020, ngành Nông nghiệp đóng góp tới 31,68% GRDP toàn tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Bốn năm sau, dù phải “gánh” hơn 20 đợt thiên tai, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt 3,91% (tương đương gần 5.150 tỷ đồng), đóng góp 1,16 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng kinh tế 6,05% toàn tỉnh. Trong đó, ngành Nông nghiệp tăng ấn tượng 3,83%, với giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân đạt 63 triệu đồng/ha canh tác; tỷ trọng chăn nuôi tăng lên 36,14%, cao hơn 3,34% so với năm 2023.

Có thể khẳng định, phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị không chỉ tạo sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập mà còn góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Qua đó, tạo tiền đề hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của tỉnh trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng chất lượng cao gắn với du lịch, đưa những giá trị bản địa thành lợi thế cạnh tranh mới.

-----------------

Kỳ cuối: Khi nông nghiệp “lên tour”

Nhóm PV

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202505/du-lich-vuon-tam-nong-nghiep-nang-chat-ky-2-nang-tam-dac-san-kien-tao-chuoi-gia-tri-a161050/