Du lịch vươn tầm, nông nghiệp nâng chất: Kỳ cuối - Khi nông nghiệp 'lên tour'

Những thửa ruộng bậc thang “dát ánh vàng” mùa lúa chín, chè Shan tuyết cổ thụ lấp lánh sương mai hay đàn ong chắt chiu mật ngọt từ hoa Bạc hà tím biếc giữa điệp trùng núi đá tai mèo… không chỉ là hình ảnh đẹp của nông nghiệp mà đã trở thành một phần sống động trong các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Những giá trị nông nghiệp bản địa từng bước “lên tour” một cách sáng tạo và cuốn hút, góp phần làm nên nét riêng có cho hành trình khám phá Hà Giang.

Gieo trải nghiệm, gặt cảm xúc

Hà Giang không chỉ làm say lòng du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ, nguyên sơ của núi rừng mà còn cuốn hút bởi nông nghiệp đặc trưng, những bản làng mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Lợi thế này mở ra hướng đi mới cho tỉnh khi kết hợp hài hòa giữa du lịch với nông nghiệp trải nghiệm. Qua đó, vừa giúp nâng tầm giá trị nông sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân, vừa góp phần làm giàu thêm bản sắc du lịch riêng có của Hà Giang.

Vườn mận của gia đình anh Lý Tà Dòng, xã Quản Bạ (Quản Bạ) trở thành không gian trải nghiệm độc đáo cho du khách. Ảnh: Mộc Lan

Vườn mận của gia đình anh Lý Tà Dòng, xã Quản Bạ (Quản Bạ) trở thành không gian trải nghiệm độc đáo cho du khách. Ảnh: Mộc Lan

Anh Sùng Mí Phìn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sà Phìn (Đồng Văn) giàu truyền thống lịch sử. Nơi đây được coi là cái nôi văn hóa của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, có điểm di tích nổi tiếng nhà Vương. Với mong muốn thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá văn hóa của địa phương tới đông đảo du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, anh đã biến ngôi nhà cổ của dòng họ thành homestay độc đáo và lên ý tưởng hình thành nhiều tour du lịch trải nghiệm đặc sắc.

Anh Phìn chia sẻ: “Khi lưu trú tại nhà của người dân bản địa, du khách không chỉ được nghỉ ngơi mà còn có cơ hội hòa mình vào đời sống thường nhật, hiểu sâu hơn về văn hóa, phong tục và những câu chuyện riêng của từng vùng đất. Tận dụng lợi thế của quê hương, tôi đã xây dựng các tour trải nghiệm như: Thu hoạch lanh, dệt vải lanh, trồng ngô, quay mật ong Bạc hà để du khách được trải nghiệm cuộc sống như một người nông dân thực thụ. Tôi còn đưa du khách ghé thăm những ngôi nhà cổ truyền thống của người Mông; khi chiều buông, đưa họ tham gia các trò chơi dân gian hay thi đấu các môn thể thao dân tộc. Nhờ chuỗi hoạt động đó, gia đình tôi không chỉ thu hút được du khách mà còn tiêu thụ hiệu quả nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: Mật ong Bạc hà, thịt lợn, bò khô cùng các mặt hàng thủ công từ lanh”.

Chị Lisanne, du khách đến từ Hà Lan cho biết: “Khác với các chuyến du lịch nhiều nơi trên thế giới tôi và gia đình, khi đến với Đồng Văn, ở tại homestay của đồng bào Mông giúp tôi có những trải nghiệm vô cùng lý thú. Đặc biệt, tôi còn mặc trang phục dân tộc người Mông, hát, múa, giao lưu cùng các cháu học sinh. Chủ homestay là anh Sùng Mí Phìn cũng cho tôi trải nghiệm làm bánh trôi bằng bột ngô nếp. Tôi có thêm những góc nhìn khác về cuộc sống của bà con vùng cao và càng thêm yêu mến mảnh đất này”.

Khách du lịch trải nghiệm không gian thưởng trà Shan tuyết tại Hợp tác xã chè Minh Quang, xã Xuân Minh (Quang Bình). Ảnh: Khánh Huyền.

Khách du lịch trải nghiệm không gian thưởng trà Shan tuyết tại Hợp tác xã chè Minh Quang, xã Xuân Minh (Quang Bình). Ảnh: Khánh Huyền.

Nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ không xa, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ là ngôi làng của người Dao. Nặm Đăm đã nhận được giải thưởng ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngày nay, những người trẻ tuổi trong làng nhanh nhạy ứng dụng công nghệ để làm du lịch, từ đặt phòng trực tuyến trên Booking, Agoda, đến quảng bá hình ảnh làng quê, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng qua Facebook, Tiktok.

Không dừng lại ở việc đưa hình ảnh làng quê lên nền tảng số, nhiều bạn trẻ còn mạnh dạn khởi nghiệp tại chính quê hương mình, kết hợp du lịch với nông nghiệp một cách sáng tạo và hiệu quả. Tiêu biểu là anh Lý Tà Dòng – chủ Toong Homestay. Nhận thấy tiềm năng từ chính mảnh đất quê hương, anh Dòng mạnh dạn kết hợp giữa làm dịch vụ lưu trú với phát triển nông trại. Trên diện tích đất quanh homestay, anh trồng hơn 100 cây mận Tam hoa, vừa tạo cảnh quan xanh mát, vừa là điểm nhấn để du khách tham quan, trải nghiệm. Mùa mận chín, khu vườn trở nên rực rỡ, thu hút khách đến nghỉ dưỡng, hái mận tại chỗ và mang về với giá từ 25 – 30 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, anh còn liên kết với Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng Nặm Đăm để phát triển dịch vụ ngâm chân, tắm lá thuốc của người Dao – nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Nhờ biết kết hợp nhiều yếu tố từ cảnh quan, nông nghiệp đến bản sắc văn hóa, giúp gia đình anh Dòng có nguồn thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo dấu ấn riêng cho du lịch sinh thái vùng cao.

Dù đẹp như “Thụy Sỹ thu nhỏ” nhưng Thảo nguyên Suôi Thầu (Xín Mần) vẫn cần nhà đầu tư chiến lược để “đánh thức” tiềm năng. Ảnh: Văn Long

Dù đẹp như “Thụy Sỹ thu nhỏ” nhưng Thảo nguyên Suôi Thầu (Xín Mần) vẫn cần nhà đầu tư chiến lược để “đánh thức” tiềm năng. Ảnh: Văn Long

Mùa Thu, khi những thửa ruộng bậc thang ở huyện Xín Mần khoác lên mình sắc vàng tươi của lúa chín cũng là lúc cảnh sắc nơi đây trở nên mê hoặc như một bức tranh sơn dầu sống động giữa núi rừng. Với mục tiêu vừa phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ hệ sinh thái, vừa tạo điểm nhấn khác biệt thu hút khách du lịch, huyện Xín Mần đã triển khai mô hình nuôi cá chép trên ruộng bậc thang với quy mô 100 ha, tại 6 xã như: Nấm Dẩn, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên… Đồng thời, đầu tư xây dựng các Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng; thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh nên thơ mùa vàng mà còn được lội ruộng bắt cá chép, cùng người dân chế biến và thưởng thức những món ăn truyền thống đậm hương vị núi rừng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia: Khi nông nghiệp “lên tour” đã cho thấy rõ một Hà Giang đang chuyển mình theo hướng du lịch xanh, bền vững và đậm đà bản sắc. Điều đáng mừng là chính người dân bản địa đang là chủ thể sáng tạo, kể câu chuyện của quê hương mình bằng chính sản vật, văn hóa và nhịp sống thường ngày. Khi du khách tìm đến Hà Giang không chỉ ngắm cảnh mà còn để được sống cùng người dân, lao động, ăn uống, vui chơi như một thành viên trong bản thì cũng là lúc du lịch không còn là cuộc ghé qua mà trở thành một phần gắn bó, sẻ chia và lan tỏa yêu thương. Những trải nghiệm tưởng như giản dị nhưng lại là “điểm chạm” đầy cảm xúc, đưa du khách đến gần hơn với đời sống và con người Hà Giang.

Khơi tiềm năng thành giá trị thực

Hà Giang đã ghi dấu ấn trong lòng du khách như một “viên ngọc quý” của miền sơn cước, nơi hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng và những sản vật nông nghiệp độc đáo. Tuy nhiên, theo nhận định của cấp ủy, chính quyền địa phương, nông nghiệp “lên tuor” vẫn cần chiến lược bài bản để phát triển bền vững.

Người dân thôn Nà Màu, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Khánh Huyền

Người dân thôn Nà Màu, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Khánh Huyền

Hiện nay, huyện Vị Xuyên đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung với các sản phẩm chủ lực như chè Shan tuyết, Thảo quả, dược liệu... Tuy nhiên, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo do thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp. Năm 2024, toàn huyện có gần 2.800 ha Thảo quả cho sản lượng trên 1.900 tấn, đạt giá trị gần 196 tỷ đồng. Dù có chỉ dẫn địa lý, sản lượng lớn nhưng Thảo quả Vị Xuyên vẫn chủ yếu sơ chế thô, chỉ khoảng 10% được chế biến sâu và mới có 1 HTX bao tiêu sản phẩm. Tương tự, với hơn 2.900 ha quế, người dân vẫn khai thác, tiêu thụ theo phương thức truyền thống, bán tươi hoặc sấy khô khiến giá trị thấp do thiếu doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với khó khăn trên, mặc dù huyện Vị Xuyên đã nỗ lực củng cố 10 HTX sản xuất, chế biến nông sản đặc trưng với 116 thành viên tham gia nhưng việc tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông dân và chuyển đổi tư duy từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa vẫn chưa đạt hiệu quả rõ nét. Đây là rào cản lớn khiến quá trình mở rộng quy mô, xây dựng chuỗi liên kết bền vững gặp khó khăn; đồng thời hạn chế việc áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiểm soát chất lượng và làm gia tăng chi phí sản xuất. Mặt khác, thiếu vốn, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ cũng là rào cản lớn khiến nông dân và HTX khó bứt phá khỏi quy mô nhỏ lẻ – Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Lê Thanh Hải chia sẻ.

Trải rộng gần 500 ha trên địa bàn xã Nàn Ma và thị trấn Cốc Pài, thảo nguyên Suôi Thầu (Xín Mần) như một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ với địa hình đa dạng, thảm thực vật phong phú, ruộng bậc thang uốn lượn, hoa rừng rực rỡ cùng những rặng Sa mộc vươn cao giữa thảo nguyên xanh mướt. Không chỉ cuốn hút bởi cảnh sắc mê hoặc, nơi đây còn níu chân du khách bởi những lễ hội văn hóa độc đáo như Gàu Tào, Rước nước, Nấu nước…

Dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc (Quang Bình) giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: My Ly

Dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc (Quang Bình) giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: My Ly

Dù mang vẻ đẹp kiêu sa như một “Thụy Sỹ thu nhỏ”, Suôi Thầu vẫn đang “ngủ quên” trên kho báu tiềm năng. Việc kết hợp phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái – hướng đi giàu triển vọng vẫn gặp nhiều “rào cản”. Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Ngô Văn Tăng chia sẻ: “Huyện đã phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch thảo nguyên Suôi Thầu với định hướng phân chia khu vực nghỉ dưỡng, vùng ven, vùng lõi; phát triển các mô hình vệ tinh gắn với chuỗi giá trị và kết nối hạ tầng giao thông liên vùng. Tuy nhiên, tất cả mới dừng ở bước ý tưởng khi chưa thể thu hút được nhà đầu tư có tầm và đủ năng lực triển khai”. Trong khi đó, dù sở hữu tiềm năng lớn để phát triển “ngành công nghiệp không khói” nhưng Xín Mần vẫn loay hoay tìm hướng bứt phá khi bài toán hạ tầng giao thông và nguồn lực đầu tư chưa có lời giải thỏa đáng.

Không riêng huyện Xín Mần, nhiều địa phương khác cũng đang chật vật trước bài toán cơ sở kỹ thuật thiếu đồng bộ, dịch vụ trải nghiệm manh mún, đơn điệu, chưa đủ sức níu chân du khách; hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch còn nhiều trở ngại... Song, với tầm nhìn chiến lược, tỉnh ta đã, đang gắn kết nông nghiệp với du lịch nhằm biến tiềm năng thành lợi thế, biến lợi thế thành giá trị thực, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, chú trọng quy hoạch lại các vùng sản xuất và du lịch theo hướng giao thoa, hỗ trợ lẫn nhau. Đây không chỉ là cách chia sẻ hạ tầng mà là một chiến lược phát triển sinh thái, nơi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa gắn với trải nghiệm, thương hiệu gắn với bản sắc và giá trị gia tăng được mở rộng từ chính sự giao hòa đó.

Đơn vị thi công nỗ lực khắc phục sạt lở đất trên tuyến đường ĐT.177, đảm bảo giao thông an toàn cho du khách trên hành trình khám phá vẻ đẹp của huyện Xín Mần. Ảnh: Thu Phương

Đơn vị thi công nỗ lực khắc phục sạt lở đất trên tuyến đường ĐT.177, đảm bảo giao thông an toàn cho du khách trên hành trình khám phá vẻ đẹp của huyện Xín Mần. Ảnh: Thu Phương

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn cho biết: “Với mục tiêu vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân vừa mang đến trải nghiệm độc đáo, lý thú cho du khách, huyện đang tập trung phát triển sản xuất, chế biến nông sản đặc trưng gắn với du lịch sinh thái và cộng đồng; kiến tạo những mô hình du lịch cộng đồng đậm bản sắc, nơi sản xuất và trải nghiệm hòa làm một. Đồng thời, ưu tiên đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và các dịch vụ du lịch thiết yếu; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Hoàng Su Phì qua các kênh truyền thông đa dạng. Cùng với đó, xây dựng chuỗi giá trị trong phát triển bền vững du lịch sinh thái, trải nghiệm với ba trụ cột: Chính quyền kiến tạo cơ chế, doanh nghiệp làm “đầu tàu” dẫn dắt thị trường còn cộng đồng, người dân là chủ thể thực hành và giữ gìn bản sắc”. Những giải pháp đồng bộ và tầm nhìn chiến lược mà huyện Hoàng Su Phì đang theo đuổi cũng là đích đến của nhiều địa phương khác trên hành trình bảo tồn giá trị văn hóa bản địa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành thương hiệu du lịch xanh, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh và lan tỏa.

Bằng sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa hiện đại và truyền thống, giữa sản phẩm và trải nghiệm, tỉnh đang hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch không chỉ là điểm đến mà còn là hành trình khám phá văn hóa, thiên nhiên và con người. Đây vừa là chiến lược kinh tế, vừa là cách gìn giữ, nâng tầm giá trị bản địa, minh chứng cho hành trình của trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng đưa Hà Giang phát triển nhanh, bền vững.

Nhóm PV

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202505/du-lich-vuon-tam-nong-nghiep-nang-chat-ky-cuoi-khi-nong-nghiep-len-tour-e01238d/