Du lịch xanh - điểm sáng trong phát triển du lịch Việt Nam
Với thông điệp hướng đến môi trường du lịch xanh, trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch Việt Nam, Năm Du lịch quốc gia 2023 đã khởi động sự kiện du lịch trong nước và quốc tế.
Năm Du lịch quốc gia là chuỗi sự kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch tiêu biểu được duy trì tổ chức 20 năm nay. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của đất nước nhằm thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam. Tăng cường liên kết vùng, tạo sự phát triển đột phá, phát triển hạ tầng du lịch.
Điểm đến thân thiện
Việt Nam - đất nước an toàn; Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn hay Một Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác và hiếu khách là những thông điệp mà ngành Du lịch Việt Nam đang nỗ lực hướng đến để từng bước phát triển vượt bậc, bền vững và trở thành ngành kinh tế quan trọng, là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều điểm đến nổi tiếng của Việt Nam đã thu hút hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế hàng năm, như: du lịch biển với các địa danh nổi tiếng Nha Trang, Vũng Tàu, Mũi Né - Phan Thiết…; du lịch sinh thái rừng có Vườn quốc gia Cát Tiên, Cúc Phương, Safari Phú Quốc…; du lịch Tây Bắc với những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, có ruộng bậc thang và đa dạng nền văn hóa, ẩm thực của các dân tộc vùng cao… Đặc biệt những năm gần đây, mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn đang phát triển khá mạnh, nhất là tại những vùng thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó thủ tướng Chính phủ TRẦN LƯU QUANG nhận định, du lịch Việt Nam không chỉ phát triển đơn thuần, mà xa hơn là phát triển du lịch “xanh”, du lịch bền vững. Qua đó, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng là phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Là tỉnh đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận có lợi thế ở vị trí cửa ngõ giao thương với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ (ĐNB) và Tây nguyên. Với nhiều dự án du lịch, khu phức hợp nghỉ dưỡng được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, tích hợp đầy đủ tiện ích cao cấp, Bình Thuận đã và đang là điểm đến nổi tiếng, yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Thời gian tới, du lịch Bình Thuận sẽ có những phát triển ấn tượng, tạo động lực cho một thời kỳ phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh.
Phát biểu tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023, Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng nhận định, Việt Nam đang đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch sau đại dịch. Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự lắng nghe và kịp thời chỉ đạo để tháo gỡ các điểm nghẽn của Quốc hội, Chính phủ, với sự nỗ lực của cộng đồng các cấp, các ngành, các địa phương cùng toàn thể nhân dân với sứ mệnh mỗi người dân Việt Nam là một “đại sứ du lịch thân thiện” sẽ giúp cho du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi, phát triển. Bên cạnh đó, các chiến lược, kế hoạch hành động của ngành Du lịch sẽ bám sát phương châm doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực cho du lịch phát triển.
Liên kết phát triển du lịch xanh
Du lịch Việt Nam đang có sự dịch chuyển, thay đổi trong cách thức hoạt động và đổi mới, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch, đồng thời tăng cường sự liên kết. Nhiều ký kết hợp tác phát triển du lịch cấp vùng đã diễn ra, như: kết nối du lịch vùng ĐNB, vùng Tây Bắc…
Ông Đỗ Minh Trung, Phó giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh Bình Phước nhận định, dù là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, những năm gần đây, chương trình Liên kết phát triển du lịch vùng ĐNB đã tạo cho Bình Phước cơ hội được kết nối, khai thác những tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hóa… Theo ông Trung, ĐNB là vùng có đủ các tiềm năng du lịch như: biển, rừng, hồ, nông nghiệp - nông thôn, các điểm du lịch tâm linh… Thông qua chương trình liên kết phát triển du lịch cấp vùng, các địa phương có cơ hội quảng bá, phát huy giá trị các tiềm năng du lịch thông qua các sản phẩm liên kết, tạo điểm nhấn cho du lịch cấp vùng. Sự liên kết còn thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác như hạ tầng giao thông, các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí… Đặc biệt, giúp các tỉnh khó khăn như Bình Phước có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Để phát huy những giá trị văn hóa, những thành tựu ngành Du lịch đã đạt được thời gian qua, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu các địa phương cần khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển bền vững, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng các kế hoạch, chiến lược và quyết liệt trong hành động để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch “xanh”. Tăng cường và đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến nhằm tăng thêm sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch. Chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo việc làm cho người dân; góp phần giảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, tạo diện mạo mới cho đất nước và quê hương mình.