Du lịch xanh - hướng tới tăng trưởng bền vững

Diễn đàn Phát triển du lịch xanh Việt Nam 2023 với chủ đề 'Tăng trưởng xanh bền vững' diễn ra cuối tuần trước là hoạt động có ý nghĩa trong bối cảnh toàn ngành đang chung tay triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển.

Bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa

“Du lịch xanh là một cách tiếp cận mới, có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch, với sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong việc giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sống, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mỗi địa phương. Đặc biệt, diễn đàn được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu với hệ thống tài nguyên và sản phẩm du lịch hết sức phong phú, đa dạng, là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng của Chính phủ những năm gần đây đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để các chính sách, các định hướng này được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể các nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho rằng, phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững đang là một xu thế, là cơ hội và cũng là thách thức đối với mỗi địa phương nói riêng và với các quốc gia nói chung. “Các sáng kiến, giải pháp, hiến kế của chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay, hiệu quả thiết thực để áp dụng, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đây cũng là cơ hội để Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các địa phương và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tăng cường kết nối, hợp tác” - ông Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh.

Du khách trải nghiệm hái chè cùng đồng bào thiểu số tại khu du lịch sinh thái ở Cao Bằng. Nguồn: vov.vn

Du khách trải nghiệm hái chè cùng đồng bào thiểu số tại khu du lịch sinh thái ở Cao Bằng. Nguồn: vov.vn

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch xanh bền vững tại Việt Nam hiện nay, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho rằng, cần nâng cao nhận thức, nhằm thay đổi hành vi vì mục tiêu phát triển du lịch xanh, cụ thể là nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và văn hóa, đặc biệt hướng đến khách du lịch nội địa; giám sát các tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên và văn hóa và tìm kiếm các giải pháp để không ngừng cải thiện… Bên cạnh đó, cần cải thiện năng lực quản lý hiệu quả lượng khách du lịch tại các điểm đến du lịch; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong kinh doanh du lịch và đặc biệt là tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, thúc đẩy sự tham gia của người dân, xã hội và các doanh nghiệp du lịch vào công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân, định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đang được nhiều quốc gia áp dụng. Trong đó, việc phát triển du lịch cộng đồng theo xu hướng này cũng không phải là ngoại lệ. Phát triển du lịch cộng đồng theo xu hướng tăng trưởng xanh sẽ giúp cho người dân bảo đảm cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ, nền kinh tế sẽ phát triển có tính ổn định và bền vững.

Theo các đại biểu, cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng là nhà cung cấp và đối tượng hướng tới của du lịch xanh. Bản thân cộng đồng địa phương là những người bảo vệ chính nguồn tài nguyên du lịch, như phong tục văn hóa, lề lối sinh hoạt và tài nguyên thiên nhiên gần khu vực họ sinh sống. Tới thăm làng bản truyền thống và giao lưu với người dân địa phương là những hoạt động chính của khách du lịch muốn trải nghiệm trong chuyến đi. Do đó, mỗi người dân trong cộng đồng cần trở thành một “Đại sứ du lịch”, có trách nhiệm thể hiện những nét tốt đẹp nhất của cộng đồng địa phương để khách du lịch cảm nhận thấy.

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu Đỗ Phước Trung, cho biết, với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, du lịch cộng đồng được xem là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa cũng như nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên. Vì thế, du lịch cộng đồng được quan tâm đầu tư phát triển tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Phước Trung, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với tăng trưởng xanh thời gian qua vẫn còn những khó khăn. Việc sử dụng đất nông, lâm nghiệp để thực hiện mô hình du lịch cộng đồng với hình thức các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được giao để chuyển một phần sang đất xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp làm mô hình du lịch. Trong khi đó thực tế triển khai mô hình này cho thấy khả năng có thể dẫn đến các hình thức sai phạm chủ yếu về đất đai hiện nay như sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; xây dựng nhà, cơ sở lưu trú, công trình trái phép trên đất nông, lâm nghiệp; thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng khi chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa hoàn thành thủ tục về đất đai...

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/du-lich-xanh-huong-toi-tang-truong-ben-vung-i350683/