Ai giám sát bộ phận an toàn giao thông của doanh nghiệp vận tải?
Tình trạng phương tiện ô tô vi phạm tốc độ diễn ra phổ biến, nhưng dường như chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Vậy, bộ phận ATGT trong doanh nghiệp có thực sự giám sát hoạt động của doanh nghiệp như yêu cầu?
Cần cơ chế nào để giám sát hoạt động của bộ phận này, để bộ phận An toàn giao thông trong doanh nghiệp phát huy đúng vai trò của mình?
Là một doanh nghiệp lớn, có tới hơn 3.000 xe, bộ phận ATGT của G7 taxi có tới hơn 10 người. Bộ phận này sẽ bao gồm thanh tra, hành chính, bộ phận tổng đài, có trách nhiệm theo dõi, cập nhật nhật ký của từng phương tiện, cảnh báo với tài xế nếu vi phạm tốc độ…
Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 taxi cho hay, trường hợp xảy ra va chạm, TNGT, bộ phận ATGT cũng có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý, giải quyết tai nạn, hỗ trợ nạn nhân (nếu có).
"Hoạt động của Ban ATGT giúp doanh nghiệp giảm thiểu và phòng ngừa rủi ro, TNGT không đáng có. Ví dụ doanh nghiệp G7 taxi chẳng hạn, Ban ATGT hoạt động rất hiệu quả và trên những công cụ, thiết bị hiện đại như GPS, app quản lý lái xe, trên những thiết bị đó sẽ biết được những lái xe thường hay vi phạm về tốc độ thì Ban ATGT sẽ cảnh báo, nhắc nhở, giúp lái xe an toàn hơn và tránh được những rủi ro, tai nạn đáng tiếc", ông Quân nói.
Thừa nhận điều này, ông Lê Anh Dũng, giám đốc điều hành doanh nghiệp vận tải hành khách Hà Sơn – Hải Vân cho biết, với hơn 120 phương tiện vận tải hành khách, chủ yếu chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai, nên bộ phận ATGT được đặt trong Phòng Chất lượng của đơn vị, bố trí 5 người, thường xuyên theo dõi dữ liệu thiết bị giát sát hành trình gắn trên từng phương tiện, đồng thời đưa ra cảnh báo đối với tài xế đang lưu thông trên đường.
"Thường xuyên, hàng ngày lúc nào cũng có nhân sự riêng biệt, chỉ có ăn và giám sát thiết bị giám sát hành trình. Ví dụ như để đảm bảo an toàn trên đường cao tốc thì doanh nghiệp đã ban hành giớ hạn tốc đô trên đường cao tốc. Tốc độ tối đa trên đường cao tốc cho chạy 100km/h, nhưng với Hà Sơn – Hải Vân chỉ cho chạy 90 thôi. Đồng thời có biểu hiện vi phạm là sẽ bị xử lý ngay", ông Dũng cho hay.
Tuy vậy, không ít trường hợp doanh nghiệp vận tải coi nhẹ hoạt động của bộ phận ATGT, thành lập chủ yếu cho có để đối phó cơ quan chức năng. Bởi vậy, chưa kịp thời đưa ra cảnh báo hoặc quản lý lái xe một cách hiệu quả.
Về điều này, ông Bùi Văn Viết, Giám đốc doanh nghiệp Minh Quý (Thanh Hóa) bày tỏ: "Các doanh nghiệp thường thường có bộ phận an toàn kỹ thuật, tùy quy mô doanh nghiệp, có dụ có 2 xe khách với có 50 xe, nhân sự ít hơn. Bên em thì có 3-4 anh em. Nhưng quan trọng nhất vẫn là lái xe, nếu lái xe an toàn, điều khiển xe an toàn…"
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, theo quy định việc thành lập và giám sát hoạt động của bộ phận ATGT trong doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị vận tải.
Song nhiều trường hợp, do sợ tốn thêm chi phí nên một số trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, các hợp tác xã chưa thực sự quan tâm điều này.
Dẫn vụ việc quên học sinh trên xe dẫn đến hậu quả đáng tiếc tại Thái Bình vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, hậu quả này có thể được ngăn chặn, nếu bộ phận ATGT kiểm soát, nhắc nhở lái xe, và lái xe tuân thủ quy trình kiểm tra toàn bộ xe trước khi kết thúc hành trình.
"Bộ phận theo dõi ATGT mà thực hiện đúng theo quy định chi tiết về quy trình này thì sẽ giảm thiểu tai nạn không đáng có. Tuy vậy, đối với những doanh nghiệp hoặc họ kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng quy trình đảm bảo ATGT một cách hời hợt, có cũng như không thì rất dễ để xảy ra tai nạn, hoặc để người lái xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện", ông Hoàng Anh cho hay.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN đề xuất, bên cạnh việc yêu cầu hợp tác xã tăng cường vai trò quản lý, giám sát với các hội viên là các doanh nghiệp vận tải, cần nghiên cứu phương thức thuê đơn vị giám sát ATGT cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, quy mô phương tiện còn ít:
"Phải nghiên cứu một hình thức giám sát hay hình thành những bộ phận làm dịch vụ chung cho các đơn vị này để đảm bảo tăng cường sự giám sát tình hình hoạt động của phương tiện một cách trực tuyến để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những vi phạm của người lái xe ở trên đường".
TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ, thiết bị giám sát hành trình để quản lý vận tải là xu hướng tất yếu. Để phát huy hiệu quả các thiết bị này, chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định của doanh nghiệp.
"Phải xem xét từng khâu một, để xem bất cập đang ở đâu. Chẳng hạn như chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình đó đối với các doanh nghiệp tại địa phương là thuộc chính quyền địa phương. Vậy thì chính quyền địa phương đã làm tròn trách nhiệm chưa, Cái đó chúng ta phải tăng cường thì mới cải thiện được tình hình", TS Trần Hữu Minh đề xuất.
Bộ phận ATGT trong doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng, từ việc giám sát tài xế trước khi xuất phát, khi xe đang hoạt động và cả khi kết thúc hành trình, đặc biệt là giám sát trực tuyến hoạt động của phương tiện và người lái.
Bởi vậy, cần theo dõi, giám sát việc thành lập bộ phận ATGT trong doanh nghiệp, cũng như có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa nguy cơ mất ATGT.