Du lịch xanh nâng tầm thương hiệu quốc gia
Ngành du lịch Việt Nam có lợi thế từ các giá trị lịch sử, văn hóa, sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên, do đó du lịch xanh là xu hướng tất yếu. Du lịch xanh đề cao ý thức con người trong việc tôn trọng tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái và khôi phục đa dạng sinh học.
Yêu cầu cấp bách
Với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển du lịch theo xu hướng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh. Chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2022 cũng là du lịch xanh với ý nghĩa tất cả các hoạt động đều hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế; hạn chế tối đa phát thải ra môi trường; bảo đảm an toàn cho du khách và cộng đồng dân cư…
Du lịch xanh không phải một khái niệm mới. Khoảng 20 năm nay, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các thảm họa tự nhiên như động đất, cháy rừng, sóng thần, bão lũ… ngày càng xuất hiện với tần suất bất thường và khắc nghiệt hơn do một phần “đóng góp” không nhỏ đến từ ngành du lịch. Chính vì vậy, du lịch xanh đã và đang trở thành một yêu cầu cấp bách, mối quan tâm hàng đầu của ngành công nghiệp không khói toàn cầu.
Nhìn ra thế giới, đặc biệt những nơi được mệnh danh là “thiên đường du lịch” của châu Á như Maldives, đảo Boracay (Philippines), đảo Komodo (Indonesia), Koh Rong Samloem (Campuchia),… đều đã có những chiến lược riêng để chuyển hướng Du lịch xanh từ nhiều năm nay. Ví dụ điển hình là quốc đảo Maldives gồm khoảng 1.192 đảo nhỏ, dân số khoảng 500.000 người. Với du lịch là ngành kinh tế chủ đạo, Maldives đã ban hành các chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh gắn với gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và bảo tồn sinh vật biển.
Trong đó có thể kể tới nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) nhằm giảm phát thải carbon và chi phí phát điện. Dự kiến đến năm 2030, Maldives sẽ thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có lượng carbon trung tính. Được biết, hầu hết khu nghỉ dưỡng tại Maldives đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân và du khách.
Nhiều tín hiệu tích cực
Tại Việt Nam, Năm Du lịch quốc gia 2022 đã được bắt đầu với hàng loạt hoạt động sôi động ở các tỉnh, thành trên cả nước như Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, đánh dấu mốc ngành du lịch đang dần hồi sinh sau 2 năm đại dịch COVID-19. Trong đó, có thể nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực về chuyển đổi du lịch xanh trong nước.
Là địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh, tỉnh Quảng Nam được giới chuyên gia trong nước đánh giá cao trong việc nhanh chóng đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh. Bộ tiêu chí được xây dựng từ sự hỗ trợ của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sỹ và tham khảo, điều chỉnh từ 25 bộ tiêu chí quốc tế. Cụ thể, Bộ tiêu chí có 6 lĩnh vực gồm tiêu chí du lịch khách sạn, tiêu chí dành cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, tiêu chí dành cho khu nghỉ dưỡng, tiêu chí doanh nghiệp lữ hành, tiêu chí điểm du lịch dựa vào cộng đồng bà tiêu chí dành cho điểm tham quan. Đặc biệt, các doanh nghiệp khi tham gia thực hiện bộ tiêu chí này sẽ đồng thời có cơ hội được tư vấn chuyên môn và hỗ trợ thực hiện, cũng như tham gia vào mạng lưới du lịch xanh.
Trao đổi với truyền thông, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết Quảng Nam đang xây dựng môi trường du lịch bền vững, không rác thải nhựa, kế tiếp du lịch xanh là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên… Điều này yêu cầu sự thay đổi toàn diện trong các doanh nghiệp du lịch về tư duy đầu tư, quản trị và vận hành.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều địa phương khác cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang... Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch trong cả nước đã và đang tích cực chuyển hướng kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Có thể kể đến xu hướng “tiêu dùng du lịch xanh” tại các siêu thị, điểm mua sắm, hay các tour du lịch vớt rác nhằm tuyên truyền, kêu gọi người dân và du khách cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xu hướng du lịch xanh được đánh giá là hướng đi đúng đắn, không chỉ giúp ngành du lịch nội địa sớm hồi sinh sau dịch mà còn nâng tầm thương hiệu du lịch quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới. Theo đó, để đạt được thành công này, điều kiện cần và đủ chính là sự đồng hành, tham gia, chung sức của cả ba khối Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.