Du lịch xanh- Xu hướng tất yếu - Bài cuối: Con đường phát triển bền vững
Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, tạo cơ hội cho phát triển du lịch. Phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu do đó việc bảo vệ thiên nhiên để bảo tồn tài nguyên cho du lịch bền vững là việc cần làm.
Du lịch xanh với những trải nghiệm độc đáo
Việt Mekong farmstay (ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) với tiêu chí “Kết nối giá trị – Trải nghiệm khác biệt” đã tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh độc đáo và đa dạng. Việt Mekong được phát triển trên nền tảng nông nghiệp đa dạng sinh học và văn hóa địa phương trên không gian đa sắc màu đậm nét hoang sơ của đồng bông súng trắng, sen hồng, cỏ xanh và lúa ma (lúa trời) giữa đồng với không khí trong lành. Các sản phẩm và dịch vụ ở đây được chia theo ba mùa: Mùa nâu (mùa làm đất), mùa xanh (mùa lúa non) và mùa vàng (mùa lúa chín). Mỗi mùa có những đặc trưng, hấp dẫn riêng, tạo nên nhiều giá trị trải nghiệm khác biệt cho khách du lịch.
Việt Mekong farmstay luôn ý thức và coi trọng bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái với tiêu chí “phát triển du lịch trên nền tảng nông nghiệp sạch” và “phát triển nông nghiệp sạch để phục vụ du lịch”. Cây xanh và hoa được trồng nhiều, tạo không gian sống “xanh – sạch – đẹp”. Túi ni-lông và các vật dụng từ nhựa được hạn chế sử dụng, thay vào đó là các vật dụng làm từ chất liệu mây, tre và gỗ. Khách du lịch được khuyến khích mang theo khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng để giảm thiểu chất tẩy rửa khi giặt và không nên mang theo túi ni-lông, chai nhựa, đồ ăn thức uống công nghiệp, thức uống có cồn để hạn chế rác thải. Phát huy các giá trị văn hóa bản địa luôn được Việt Mekong farmstay quan tâm hàng đầu trong hoạt động du lịch.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Đà Nẵng tiếp cận phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ góc độ phát triển thành phố thông minh và đô thị xanh. Cụ thể, Đà Nẵng tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh cho giao thông và đô thị, áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thành phố này cũng “phủ xanh” bằng việc tăng cường phát triển cây xanh, hạn chế bê tông hóa; phát triển các tòa nhà thông minh, công trình thông minh và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng...
Rất nhiều địa phương khác cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang...
Đáng mừng là các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang tích cực chuyển hướng kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Điển hình là Tập đoàn Flamingo Group luôn đi đầu trong việc phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh như Flamingo Đại Lải Resort, Flamingo Cát Bà Beach Resort... Với tiêu chí “sống sang trọng giữa thiên nhiên”, các thiết kế của Flamingo đều theo hướng thân thiện với thiên nhiên và môi trường, hơn 60% cảnh quan tự nhiên được tôn trọng lồng ghép trong các công trình nhân tạo. Nội thất cũng theo hướng sử dụng vật liệu từ tre và gỗ thay cho các chất liệu bê tông, nhựa và kim loại.Tập đoàn này đã được vinh danh ở nhiều hạng mục giải thưởng uy tín và thường xuyên nằm trong nhóm các resort xanh ấn tượng.
Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch trong cả nước đã có đóng góp tích cực cho phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo nên xu hướng “tiêu dùng du lịch xanh”, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Có thể kể đến tour du lịch vớt rác nhằm tuyên truyền, kêu gọi người dân và du khách cùng chung tay bảo vệ môi trường của Công ty Du lịch Hội An Kayak tour (xã Cẩm Thanh, Thành phố Hội An, Quảng Nam). Sản phẩm này ra đời từ đầu năm 2017, khách du lịch sẽ tự chèo thuyền kayak và dùng vợt để vớt rác trên đoạn đường dài khoảng 8km dọc khu vực sông Hoài từ xã Cẩm Thanh vào phố cổ Hội An. Loại hình này đã thu hút được khá nhiều người tham gia, nhất là du khách nước ngoài.
Cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Có thể nói, phát triển du lịch xanh là chìa khóa để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững. Cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh.
Để đảm bảo xanh, các sản phẩm cần đạt các tiêu chí: Được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe; giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe. Như vậy, tất cả các dịch vụ, sản phẩm du lịch như tour, sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, nhà hàng muốn được công nhận là sản phẩm du lịch xanh đều phải đạt (thực hiện) được các nội dung cơ bản của các tiêu chí trên. Mức độ “xanh” của một sản phẩm du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện môi trường của những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tính chất tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du lịch.
Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá: Tăng trưởng xanh hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là trọng tâm chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2012 và được triển khai mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực cụ thể. Do đó, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là định hướng chiến lược quan trọng, là con đường để phát triển du lịch Việt Nam bền vững.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã lập ra Chương trình Phát triển du lịch bền vững và xem việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là một phần của con đường phát triển bền vững. UNWTO nhấn mạnh vai trò tiềm năng của du lịch như một tác nhân kích thích trong nền kinh tế xanh.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng: “Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khẳng định quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội”. Luật Du lịch xác định nguyên tắc phát triển du lịch phải “gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên”...
Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản quản lý liên quan đến du lịch xanh và phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; triển khai nhiều hoạt động trong thực tế. Cụ thể, Bộ đã ban hành Bộ tiêu chí “Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh”; tổ chức “Tuần văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”. Tổng cục Du lịch ban hành Bộ tiêu chí “Nhãn Du lịch xanh”. Hiệp Hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM 2019 tại Hà Nội với chủ đề “Du lịch xanh”.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch phải tuân thủ nguyên tắc “tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường”, “phát triển du lịch thân thiện với môi trường”; “không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá”.
Do đó, công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà phá hủy tài nguyên, cảnh quan, môi trường; thực hiện nghiêm chỉnh việc đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư phát triển tại các khu, điểm du lịch và nơi có tài nguyên du lịch trước khi cấp phép hoạt động.
Các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh; sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; có trách nhiệm với môi trường. Mặt khác, các doanh nghiệp cần có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần, sản phẩm làm từ vật liệu không tái chế; có trách nhiệm với xã hội, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa bản địa tại các điểm đến...