Du lịch xứ Nghệ khởi sắc đầu Xuân

Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, ngành Du lịch Nghệ An đã đón những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao, chất lượng dịch vụ đảm bảo, đa dạng các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Qua đó, tạo đà tăng trưởng bứt phá, hoàn thành mục tiêu đón 6,1 triệu lượt du khách năm 2025, trong đó có 130.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 11.800 tỷ đồng.

Trung bình mỗi ngày Tết, đền Ông Hoàng Mười đón từ 15.000 - 25.000 lượt khách đến chiêm bái.

Trung bình mỗi ngày Tết, đền Ông Hoàng Mười đón từ 15.000 - 25.000 lượt khách đến chiêm bái.

Du lịch tâm linh hút du khách

Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, không khí lễ hội tràn ngập các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Nghệ An như: đền Ông Hoàng Mười, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đền Cờn, đền Quả... Hàng vạn du khách từ khắp nơi nườm nượp đổ về để tham quan, chiêm bái, cầu mong một năm mới an lành, may mắn và vạn sự hanh thông.

Tại đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên những ngày đầu năm mới, dòng người đổ về mỗi lúc một đông. Nhiều gia đình đi theo đoàn, mang theo lễ vật trang trọng, mong cầu một năm mới bình an và phát đạt.

"Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm là tôi lại đưa gia đình vào Nghệ An, ghé thăm đền Ông Hoàng Mười để cầu mong một năm mới thuận lợi, công danh suôn sẻ, tài lộc dồi dào", anh Lê Trung, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vui vẻ cho biết.

Dịp Tết Ất Tỵ, khuôn viên đền được trang hoàng lộng lẫy, những tiểu cảnh mô phỏng không gian Tết cổ truyền thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh. Những hoạt động như viết sớ cầu may được nhiều người tham gia với mong muốn có một năm bình an, thuận buồm xuôi gió.

Anh Nguyễn Văn Sự, đại diện Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, từ đêm Giao thừa đến ngày mùng 8 tháng Giêng (28/1-5/2), đã có hàng chục nghìn lượt người đến dâng hương. Riêng ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng, trung bình mỗi ngày có 20.000 – 25.000 lượt người đến tham quan, chiêm bái. Công tác tổ chức được thực hiện chu đáo với lực lượng hướng dẫn viên bố trí khắp nơi, giúp du khách dễ dàng tham quan mà không xảy ra tình trạng chen lấn, ách tắc.

Dọc lối vào đền Ông Hoàng Mười, hàng trăm sạp hàng bán lưu niệm, hoa quả, hàng mã… tấp nập kẻ bán, người mua. Các tiểu thương vui vẻ cho biết, năm nay lượng khách đến viếng đền tăng hơn năm ngoái, không khí buôn bán sôi động hơn. "Đầu năm, người ta thường không mặc cả, chúng tôi cũng bán đúng giá, không ép giá hay nói thách để giữ được lộc buôn may bán đắt cả năm", chị Thu Hương, tiểu thương ở đền chia sẻ.

Để đảm bảo an ninh trật tự, Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, bố trí lực lượng hướng dẫn du khách, lắp đặt camera an ninh, sắp xếp bãi đỗ xe hợp lý nhằm tránh tình trạng ùn tắc; bố trí hai dãy bàn viết sớ trước cổng đền cho du khách.

Được xây dựng từ thời Trần, mở rộng vào thời Lê và trải qua nhiều lần trùng tu dưới triều Nguyễn, đền Cờn (thị xã Hoàng Mai) không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng mà còn bởi kiến trúc đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa phong cách nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn. Quần thể di tích gồm đền Cờn Trong và đền Cờn Ngoài, mỗi nơi mang một vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm. Năm 1993, đền Cờn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; năm 2016, Lễ hội đền Cờn được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mặc dù rất đông người dân, du khách đến lễ, nhưng công tác an ninh trật tự tại đây được tổ chức tốt, đảm bảo cho mọi người đến lễ bái được trang nghiêm. Đặc biệt, chuẩn bị cho lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 19 - 21 tháng Giêng, Công an thị xã Hoàng Mai đã lên kế hoạch phân luồng giao thông, phòng, chống cháy nổ, giúp người dân yên tâm du Xuân.

“Đến đây, gia đình tôi không chỉ tham quan, chiêm bái cầu nguyện mà còn khám phá những nét độc đáo cổ kính của đền Cờn và phong tục của ngư dân làng biển, để các cháu hiểu thêm về văn hóa của vùng miền”, chị Lan Phương, du khách ở Đà Nẵng cho biết.

Việc các điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách trong dịp đầu năm cho thấy nhu cầu tìm về những giá trị văn hóa, tâm linh của người dân ngày càng tăng cao. Đây cũng là dịp để quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh Nghệ Anh đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Trung bình mỗi ngày Tết, đền Ông Hoàng Mười đón từ 15.000 - 25.000 lượt khách đến chiêm bái.

Trung bình mỗi ngày Tết, đền Ông Hoàng Mười đón từ 15.000 - 25.000 lượt khách đến chiêm bái.

Hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm đặc trưng

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp du lịch tại Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động phục vụ tốt nhất cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ khách du lịch, trang trí khánh tiết tại các cơ sở lưu trú và khu điểm du lịch, tạo điểm nhấn thu hút khách; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho du khách. Chỉ riêng trong 9 ngày nghỉ lễ Tết (từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), toàn tỉnh đón khoảng 430.000 lượt khách tham quan, trong đó khách có lưu trú đạt 138.000 lượt; tổng thu du lịch ước đạt 479 tỷ đồng.

Năm 2025, ngành Du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để đạt mục tiêu đón 6,1 triệu lượt khách du lịch trong năm 2025, ngành Du lịch Nghệ An tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến, bao gồm: du lịch văn hóa - lịch sử gắn với tâm linh; du lịch vui chơi giải trí tổng hợp và nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE)... trên cơ sở phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.

Hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm đặc trưng, Sở Du lịch tỉnh tích cực phối hợp triển khai Quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên gắn với phát triển du lịch; thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng để từng bước đủ điều kiện được công nhận là Khu du lịch Quốc gia Kim Liên (với vùng lõi là khu di tích Kim Liên) trong giai đoạn 2021-2030.

Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 của ngành Du lịch Nghệ An là thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, nhanh chóng đưa các cơ sở mới vào hoạt động, nhất là khách sạn 3-5 sao, các nhà hàng, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch để thu hút du khách.

Sở Du lịch cũng chỉ đạo tăng cường liên kết giữa cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí, các điểm tham quan, du lịch với các đơn vị lữ hành để hình thành các tour, tuyến du lịch tại tỉnh; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Bài, ảnh: Bích Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-xu-nghe-khoi-sac-dau-xuan-20250205180212254.htm