Dữ liệu cá nhân của người dùng internet Việt Nam bị 'bán có chủ đích'

Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) sẽ xây dựng khung pháp lý đồng bộ để quản lý triệt để các nền tảng số nước ngoài; đề xuất phương án xử lý các nền tảng vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chính phủ xác định ngành công nghiệp nội dung số là yếu tố quan trọng giúp duy trì sự tăng trưởng của ngành công nghiệp CNTT, là môi trường kinh doanh, sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thiết lập môi trường để triển khai nền kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Hùng, một số doanh nghiệp nội dung số Việt Nam có thị phần lớn trong thị trường nội địa và bước đầu đã đầu tư, cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài.

Các sản phẩm của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam ngày càng đa dạng, như đào tạo trực tuyến, trò chơi điện tử, cung cấp nội dung qua Internet, phát triển nội dung cho điện thoại di động; thư viện điện tử, kho dữ liệu số; phim số, đa phương tiện số...

Bên cạnh việc chỉ đạo thúc đẩy phát triển mạng xã hội Việt Nam đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người Việt, Bộ TTTT thực hiện quản lý hiệu quả các nền tảng mạng xã hội nước ngoài có hoạt động xuyên biên giới; đề xuất phương án xử lý các nền tảng vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đẩy mạnh triển khai ứng dụng các sản phẩm số Việt Nam (trình duyệt, phần mềm phòng chống mã độc, mạng xã hội) có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong cơ quan nhà nước, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào các sản phẩm ngoại.

Theo đánh giá của Bộ TTTT, phần lớn dữ liệu người dùng Internet Việt Nam hiện nay được nắm giữ bởi các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới dựa trên các nền tảng số (như Google, Facebook).

“Dữ liệu cá nhân người Việt đang bị thu thập, khai thác và tạo ra doanh thu rất lớn từ quảng cáo cho các doanh nghiệp nước ngoài” – báo cáo của Bộ TTTT nêu rõ.

Thế nhưng, ngoài việc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp này cũng chưa bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng. Nhiều vụ rò rỉ dữ liệu, thậm chí bán dữ liệu cá nhân có chủ đích cho bên thứ ba đã xảy ra. Không chỉ vậy, các nền tảng số còn là công cụ lan truyền không kiểm soát tin giả, tin sai sự thật gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Nhìn nhận sự phụ thuộc vào các nền tảng số nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với chủ quyền số quốc gia, Chính phủ khẳng định cần giải quyết sớm việc này. Theo đó, từ cách đây một năm đây Chính phủ đã giao Bộ TTTT phát triển hệ sinh thái số Việt Nam đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet của người Việt, hướng tới giảm dần phụ thuộc đối với các nền tảng nước ngoài.

Đến nay Bộ đã nghiên cứu, trao đổi với các doanh nghiệp và triển khai nhiệm vụ theo hướng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

“Hiện nay doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ nhiều quy định của pháp luật trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới gần như không bị quản lý” - Bộ TTTT nhận định và cho rằng điều này dẫn đến tình trạng "bảo hộ ngược" trong đó doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Vì lý do trên, Bộ TTTT khẳng định việc thiết lập lại sân chơi công bằng là điều cần thiết. Do đó, Bộ đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành trao đổi, đề xuất phương án quản lý hiệu quả đối với các nền tảng số xuyên biên giới.

Song song với đó, cơ quan quản lý TTTT cũng tiến hành thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thông qua đặt hàng doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư, kết nối các nguồn lực hay cùng doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn cụ thể.

Phát triển thị trường cho các sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện cho các sản phẩm số Việt Nam đáp ứng yêu cầu được triển khai trong các cơ quan nhà nước. Bộ TTTT đặt mục tiêu triển khai ứng dụng trình duyệt Việt đáp ứng tiêu chuẩn trong Bộ trong năm 2019 và mở rộng ra các cơ quan nhà nước khác trong năm 2020.

Để quản lý hiệu quả các nền tảng số hoạt động xuyên biên giới, tới đây Bộ TTTT sẽ xây dựng khung pháp lý đồng bộ để quản lý triệt để các nền tảng số nước ngoài. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, đặc biệt các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh đột phá.

Đề xuất xây dựng cơ chế Khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong đó tạo ra một môi trường có kiểm soát để doanh nghiệp triển khai thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/du-lieu-ca-nhan-cua-nguoi-dung-internet-viet-nam-bi-ban-co-chu-dich_81108.html