Dữ liệu dân số - cơ sở đánh giá, hoạch định chính sách phát triển

Matt Jackson - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. Lời Tòa soạn: Nhân Ngày Dân số thế giới (11.7) năm nay, cũng là kỷ niệm tròn 30 năm Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển (ICPD), Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Matt Jackson có bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu dân số - được coi là cơ sở đánh giá, hoạch định chính sách phát triển.

30 năm trước, khi các nhà lãnh đạo thống nhất thực hiện Chương trình hành động ICPD, cuộc sống và trải nghiệm của nhiều người trên khắp thế giới đã không được ghi lại trong bất kỳ dữ liệu nào. Họ không được nhận diện và tiếng nói của họ cũng không được lắng nghe. Song, những cải tiến về công nghệ và thu thập, phân tích dữ liệu 30 năm qua hỗ trợ chúng ta đo lường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản tốt hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể nhận biết ai được hưởng lợi từ những tiến bộ và đâu là những nhóm người bị bỏ lại phía sau.

Thống kê không chỉ là những con số, thống kê còn là những câu chuyện về con người. Thống kê nói lên sức khỏe, hạnh phúc, những vấn đề, nỗ lực và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của mỗi chúng ta. Khi được phân tích, dữ liệu cho thấy chính sách nào phù hợp hay chính sách nào cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Tại xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hοá, tôi đã gặp bà Lê Thị Hoa, một tình nguyện viên hỗ trợ người cao tuổi trong cộng đồng. Bà Hoa đã được đào tạo thông qua Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau do UNFPA tài trợ. Bà Hoa đã học cách chăm sóc những người không có khả năng tự chăm sóc bản thân, trong đó có cả cách thay quần áo cho người bị liệt. Bà dự định sẽ tiếp tục giúp đỡ người cao tuổi trong cộng đồng của mình cho đến khi nào bà còn có thể.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson (ngoài cùng bên trái) tham dự một buổi truyền thông giáo dục sức khỏe tại nhà trưởng thôn ở xã Sin Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: UNFPA

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson (ngoài cùng bên trái) tham dự một buổi truyền thông giáo dục sức khỏe tại nhà trưởng thôn ở xã Sin Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: UNFPA

Hay Hnhach, một phụ nữ dân tộc Ba Na ở xã Ɖê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, đã chia sẻ với UNFPA về vai trò quan trọng của cô đỡ thôn bản trong việc giúp cung cấp thông tin và cách chăm sóc sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng và lợi ích của việc sinh con tại bệnh viện cho người dân trong cộng đồng.

Ở tỉnh Lai Châu, tôi đã đến thăm một bản đồng bào Mông ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, nơi tôi được lắng nghe câu chuyện về lý do người dân chưa muốn sinh con tại các cơ sở y tế. Đó có thể là do khoảng cách từ nhà tới bệnh viện quá xa hoặc do phong tục địa phương là không sinh con trước mặt người lạ.

Những câu chuyện này chỉ ra tầm quan trọng của dữ liệu dân số đáng tin cậy và toàn diện đối với tương lai của Việt Nam. Dữ liệu cho chúng ta biết những nơi hệ thống y tế không hoạt động tốt, tình trạng thiếu hụt hộ sinh có tay nghề cao hoặc rào cản trong tiếp cận các biện pháp tránh thai, dẫn đến tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn vẫn còn cao. Dữ liệu cũng đo lường mức độ phổ biến của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, mang đến tiếng nói cho nhóm dân số già đang ngày càng tăng nhanh tại Việt Nam.

Đầu năm nay, Tổng cục Thống kê (Việt Nam) và UNFPA đã triển khai hai cuộc điều tra quốc gia quan trọng nhằm cải thiện bộ dữ liệu về dân số và nhà ở của Việt Nam và hiểu rõ hơn về nhu cầu kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Dữ liệu tốt hơn giúp tạo ra các chính sách và chiến lược đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Dữ liệu cũng cho chúng ta biết nhiều hơn về cuộc sống, hy vọng và kỳ vọng của họ.

Dữ liệu cung cấp những thăng trầm, tiến bộ và cả những công việc còn dang dở để đạt được cam kết tại ICPD và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Nhưng chính câu chuyện từ những người như bà Hoa và cô Hnhach đã làm cho các con số trở nên có ý nghĩa. Dữ liệu cũng định hướng trọng tâm cho các nỗ lực của chúng ta. Đối với Việt Nam, những nỗ lực ấy bao gồm: tiếp cận các nhóm dân tộc thiểu số với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, bảo đảm rằng những người chưa lập gia đình và những người trẻ tuổi có thể tiếp cận với các biện pháp tránh thai, cải thiện các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực và phá vỡ sự kỳ thị xung quanh bạo lực gia đình, lắng nghe và hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật, cộng đồng LGBTQI+, người cao tuổi, người di cư và tất cả các nhóm bên lề…

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thực hiện ICPD, hãy cùng cam kết sử dụng dữ liệu đáng tin cậy để giải quyết những thay đổi về nhân khẩu học và thách thức xã hội của Việt Nam, phấn đấu vì một tương lai mà mọi tiếng nói đều được lắng nghe và mọi mạng sống đều được trân trọng.

Hương Linh lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/du-lieu-dan-so---co-so-danh-gia-hoach-dinh-chinh-sach-phat-trien-i380107/