Dữ liệu đầu tiên về hiệu quả của liều vaccine Covid-19 thứ 3
Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Israel và Mỹ thực hiện với quy mô hơn 1,5 triệu người đã chứng minh hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm, nhập viện, tử vong của mũi vaccine tăng cường.
Nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Dịch vụ Y tế Clalit tại Israel và Đại học Harvard, Mỹ, công bố ngày 29/10 trên tạp chí The Lancet. Các tác giả phát hiện mũi vaccine Pfizer thứ 3 tạo ra nhiều hiệu quả bảo vệ bất ngờ.
Giảm 81% nguy cơ tử vong
Nghiên cứu thực hiện trên 730.000 người đã tiêm mũi Pfizer thứ 3. Nhóm chuyên gia so sánh dữ liệu với số lượng người tương tự đã tiêm hai mũi trước đó ít nhất 5 tháng và không tiêm mũi nhắc lại. Các dữ liệu đều được lấy trong đỉnh dịch Covid-19 của hai quốc gia - từ ngày 30/7 đến 23/9. Đây cũng là giai đoạn biến chủng Delta bùng phát mạnh mẽ.
Kết quả cho thấy liều Pfizer thứ 3 giúp giảm 93% nguy cơ nhập viện, 92% tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng và 81% khả nănng tử vong. Bên cạnh đó, mũi tiêm thứ 3 còn mang lại hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm là 88%, giảm nguy cơ gặp triệu chứng khi mắc Covid-19 là 91%.
“Những kết quả này là bằng chứng đầy thuyết phục về việc mũi tiêm vaccine Covid-19 thứ 3 có hiệu quả nhất trong ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện do Covid-19 ở các nhóm tuổi, dân số khác nhau. Các kết quả này rất quan trọng, cung cấp thông tin xác đáng cho bất kỳ ai ở Israel và thế giới còn do dự về việc tiêm liều thứ 3”, Giáo sư Ben Rice, Giám đốc Nhóm Y học Dự đoán tại Bệnh viện Nhi đồng Boston và Trường Y Harvard, đồng tác giả nghiên cứu, khẳng định.
Ông Ben cho rằng nhiều người nghi ngờ, chần chừ tiêm vaccine mũi 3 vì thiếu dữ liệu về hiệu quả của nó. Với kết quả vừa được công bố, ông tin rằng người dân sẽ có cái nhìn đầy đủ, tin cậy hơn.
Củng cố dữ liệu về hiệu quả của mũi tiêm tăng cường
Theo The Jerusalem Post, đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới đánh giá hiệu quả của liều vaccine Pfizer thứ 3. Những người được tiêm chủng có nhiều biến số như bệnh lý đi kèm hay yếu tố về hành vi.
“Những dữ liệu này cung cấp bằng chứng xác đáng cho các nước đang cân nhắc chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi tăng cường. Mỗi quốc gia cần đưa ra quyết định của riêng mình dựa trên bối cảnh, lịch trình tiêm chủng của người dân trước đó”, Ran Balicer, Giám đốc Sáng tạo của Dịch vụ Y tế Clalit, cho biết.
Theo vị chuyên gia, tại Israel, kết quả có ý nghĩa to lớn. Nó cho thấy ở những nước thực hiện chiến dịch tiêm chủng sớm, khả năng miễn dịch đang suy yếu. Do đó, quyết định về chiến dịch tiêm mũi tăng cường là điều đúng đắn và cứu mạng hàng triệu người.
Israel là quốc gia đầu tiên quyết định tiêm mũi thứ 3 cho người dân. Từ khi hơn 3,9 triệu người Israel được tiêm liều tăng cường, tỷ lệ lây nhiễm của nước này giảm rõ rệt. Dưới 1% người được sàng lọc có kết quả dương tính với nCoV và chỉ khoảng 230 trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng.
Một nghiên cứu khác do nhóm chuyên gia tại Đại học California, Mỹ, đăng tải trên medRxiv cũng cho thấy kết quả tương tự. Nghiên cứu này chưa được xuất bản và đang chờ phản biện.
Họ thu thập dữ liệu hiệu giá kháng thể trung hòa sau khi người dân tiêm vaccine Pfizer. Thời gian thu thập là sau 1-8 tháng tiêm mũi thứ 2, tương tự với mũi thứ 3.
Kết quả cho thấy các kháng thể trung hòa được tạo ra nhờ hai liều vaccine Pfizer giảm 8,06 lần sau 8 tháng. Tuy nhiên, con số này vẫn đạt đỉnh (hiệu quả bảo vệ cao nhất) trong 3 tháng đầu tiên.
Sự suy giảm kháng thể trung hòa được dự đoán làm giảm khả năng chống lại các biến chủng mới. Đặc biệt với Delta, hiệu quả bảo vệ của hai mũi Pfizer sau 8 tháng giảm 20% (từ 80% xuống 60,4%).
Trong khi đó, liều thứ 3 của vaccine Pfizer giúp tăng hiệu giá kháng thể lên 25,9 lần so với con số đo được ở mũi thứ 2. Sau một tuần tiêm chủng, hiệu giá kháng thể tạo ra của mũi thứ 3 cũng cao hơn so với mũi thứ 2.
Nghiên cứu cũng phát hiện mũi tiêm Pfizer tăng cường giúp giảm 22% nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, ở các vùng có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn 60%, liều thứ 3 không tạo ra nhiều khác biệt trong việc ngăn ngừa lây nhiễm.
Thống kê chung tại Mỹ cho thấy mũi vaccine thứ 3 giúp giảm hệ số lây nhiễm từ 2,1 xuống 1,49. Điều đó có nghĩa trước đây một người mắc Covid-19 có thể lây virus cho 2,1 trường hợp khác, song, nhờ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, 1 F0 chỉ có thể lây cho hơn một người lành.
Israel, Mỹ và một số nước trên thế giới đã tiến hành chiến dịch tiêm liều thứ 3 cho nhóm dân số nhất định. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hiện cho phép tiêm liều thứ ba của vaccine mRNA (Pfizer-BioNTech và Moderna) cho một số người có hệ miễn dịch suy yếu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị tiêm liều thứ 3 của hai loại vaccine này cho những người có hệ miễn dịch suy yếu từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng.
Những người có hệ miễn dịch suy giảm bao gồm: Bệnh nhân đang được điều trị ung thư tích cực (u đặc hoặc ung thư hệ tạo máu); bệnh nhân được ghép tế bào gốc trong vòng 2 năm hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; người đang điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao hoặc các loại thuốc khác có thể ức chế phản ứng miễn dịch.
Liều vaccine thứ 3 nên được tiêm sau liều thứ 2 ít nhất 4 tuần. Theo CDC, bệnh nhân nên sử dụng cùng một loại vaccine mRNA cho liều thứ 3. Nếu không có loại tương tự (hoặc không biết một người đã tiêm loại vaccine mRNA nào), bệnh nhân có thể tiêm vaccine mRNA khác cho liều thứ 3.
Tại Việt Nam, ngày 30/10, Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm nhắc lại mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch.