Dữ liệu lớn cho doanh nghiệp nhỏ với giá 40 đô la/tháng
Sử dụng dữ liệu lớn (big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh hàng ngày vẫn là thách thức ngay cả với các tập đoàn lớn bởi chi phí vô cùng đắt. Nhưng nay tập đoàn SoftBank của Nhật Bản cung cấp dự báo khách hàng cho các nhà bán lẻ với chi phí thấp nhất là 40 đô la một tháng.
SoftBank nói giá mềm sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản vốn không quá dư tiền bạc sớm tiếp cận được các dịch vụ big data và AI.
Một siêu thị ở thành phố Osaka. Dịch vụ dữ liệu lớn hiện đang nằm ngoài tầm tay các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nhật Bản do chi phí quá đắt. Ảnh: Nikkei Asia
Hồi tháng 1-2022, hãng công nghệ Nhật Bản đã tiếp thị dịch vụ “Sakimiru” – trong tiếng Nhật có nghĩa là “nhìn thấy tương lai” – tới nhiều khách hàng doanh nghiệp. SoftBank nói sẽ giới thiệu Sakimiru đến nhiều khách hơn, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sớm nhất là trong năm tài chính này.
Dịch vụ trên tận dụng thông tin về các luồng đi lại của khách đi bộ dựa trên dữ liệu vị trí từ khoảng 30 triệu thiết bị di động được kết nối với các trạm phát sóng của SoftBank. Các thông tin được kết hợp với dự báo thời tiết trong hai tuần của Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản, gồm các yếu tố như nhiệt độ và gió để dự đoán lưu lượng người đi bộ xung quanh các cửa hàng như thế nào.
Các doanh nghiệp có thể nhập dữ liệu bán hàng và lưu lượng khách hàng trong quá khứ tại các cửa hàng riêng lẻ. Công nghệ này tương quan với thông tin khác thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán số lượng người mua sắm có khả năng ghé vào cửa hàng. Doanh nghiệp có thể phân tích dữ liệu khách hàng theo các yếu tố bao gồm giới tính, tuổi tác và là người dân địa phương hay khách bên ngoài.
Phí dịch vụ thấp nhất sẽ từ 5.390 yen (41 đô la) một tháng. Các tính năng cao hơn như dự báo nhu cầu sản phẩm và tự động hóa việc đưa hàng lên kệ sẽ phải trả thêm phí.
Trong một thử nghiệm tại một chuỗi cửa hàng thuốc trong tháng 3-2021, các dự đoán của Sakimiru khác biệt với số liệu lưu lượng khách hàng thực tế trung bình khoảng 7%.
Dự báo lưu lượng chi tiết như thế này có thể giúp các nhà bán lẻ tránh được vấn đề lâu nay là hàng tồn kho quá mức hoặc thiếu hàng. Sakimiru đã giảm tổn thất từ các sản phẩm hư hao xuống 3% và mất doanh số bán hàng do thiếu hàng trong kho xuống 15%. Dịch vụ này cũng có thể tính toán số lượng nhân viên mà một cửa hàng có thể cần tại một thời điểm nhất định và tự động sắp xếp ca làm việc, giúp kiểm soát chi phí nhân công.
Chuỗi bán lẻ lớn với mạng lưới bán lẻ rộng có thể dễ dàng đầu tư hệ thống Sakimiru, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ lại là ngoài tầm tay bởi sử dụng số liệu thống kê về lưu lượng người đi bộ địa phương thường rất đắt.
Chẳng hạn hãng viễn thông NTT có dịch vụ dự báo nhu cầu NTT Data kết hợp với dữ liệu lượng truy cập mạng di động NTT Docomo có giá ít nhất 5 triệu yen mỗi năm, tức hơn 38.000 đô la. Hãng KDDI tính phí 2,4 triệu yen mỗi năm cho thông tin chi tiết theo tệp khách hàng truy cập, như độ tuổi, giới tính…
Các startup phân tích dữ liệu AI có giá dịch vụ mềm hơn, trong khoảng 10.000 – 20.000 yen mỗi tháng. Nhưng các dữ liệu này dựa trên dữ liệu thời tiết và lượng khách trong quá khứ, không có dữ liệu về số khách bộ hành đang trong khu vực đó.
SoftBank đã giảm chi phí bằng cách tự động hóa các phân tích do các nhà khoa học dữ liệu xử lý trước đây. Hãng cũng phát triển một thuật toán độc quyền dự báo nhu cầu cho các nhà bán lẻ và nhà hàng, cắt giảm thời gian và nỗ lực cần thiết để tùy chỉnh dịch vụ cho các ngành cụ thể.
SoftBank từng đóng vai trò chính trong nỗ lực giảm giá các loại dịch vụ như cước Internet và cước điện thoại di động. Nay, tập đoàn vẫn muốn giữ vai trò hàng đầu trong nỗ lực giảm giá dịch vụ phân tích dữ liệu lớn. SoftBank nói sẽ hợp tác với các doanh nghiệp khác để đưa nhiều loại dữ liệu khác vào Sakimiru.
Phí dịch vụ thương mại điện tử đã giảm nhờ các công ty như Shopify có trụ sở tại Canada và Base của Nhật Bản. Line – hãng con thuộc SoftBank – sẽ sớm ra mắt nền tảng trang web thương mại điện tử có mức phí giao dịch 2,5% khi bán hàng nhưng sẽ không có phí trả trước hoặc phí hàng tháng.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ vừa và nhỏ đã tụt hậu trong việc sử dụng các công cụ số cho các cửa hàng truyền thống. Ngoài việc thanh toán trên smartphone, các công ty nhỏ chỉ giới hạn trong việc tiếp thị trên các kênh bán hàng trực tuyến hoặc tham gia vào quảng cáo trên Internet.
Có khoảng 990.000 cửa hàng bán lẻ thực tế vào năm 2016 – theo số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, trong đó có 82% thuê từ năm nhân viên trở xuống. Nói cách khác, có một thị trường tiềm năng lớn cho hỗ trợ chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp nhỏ.
Theo hãng nghiên cứu IDC Japan, thị trường phân tích dữ liệu lớn của Nhật Bản đã tăng 7% vào năm 2020 lên 333,7 tỉ yen. Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo do quá trình chuyển đổi số.
Ricky Hồ