Dữ liệu lớn - Nền tảng chiến lược cho đô thị thông minh

Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn ứng dụng vào quản lý, vận hành bộ máy Nhà nước được coi là nền tảng chiến lược phát triển đô thị thông minh. Đây là 'bài toán' bắt buộc phải giải để có thể thành công trong xây dựng đô thị thông minh.

Thống kê sơ bộ, đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Một bài toán lớn đang đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong sự biến động không ngừng của kinh tế, xã hội và công nghệ...

Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn ứng dụng vào quản lý, vận hành bộ máy Nhà nước được coi là nền tảng chiến lược phát triển đô thị thông minh

Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn ứng dụng vào quản lý, vận hành bộ máy Nhà nước được coi là nền tảng chiến lược phát triển đô thị thông minh

Đô thị thông minh xu hướng - cầu nối giữa cơ quan quản lý và người dân

Đô thị thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới. Là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.

Tính đến nay, đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án đô thị thông minh trong đó: 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án.

Hà Nội, một trong số các tỉnh, thành phố đang triển khai mạnh mẽ đề án đô thị thông minh, đã đạt nhiều thành tựu lớn, như đã sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm thu phát sóng (BTS) và cáp quang tới 100% hộ gia đình. Ứng dụng iHanoi đã có 1,6 triệu tài khoản. 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia; hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai…

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Chia sẻ tại hội nghị về đô thị thông minh mới đây, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, iHanoi có thể coi như một trong những ví dụ điển hình trong triển khai đô thị thông minh. Ứng dụng đã có khoảng 16 triệu lượt tham gia tương tác từ tháng 6 đến nay.

Tại đây, ngoài việc tiếp nhận thông tin từ thành phố, người dân có thể gửi kiến nghị, phản ánh. Ứng dụng ghi nhận hơn 21.000 kiến nghị, người dân có thể phản ánh theo thời gian thực trên hệ thống.

“Với các kiến nghị này, người đứng đầu của chính quyền có thể nhìn thấy và sau đó trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phân công cụ thể về các bộ phận chức năng để triển khai và báo cáo bằng hình ảnh, văn bản. Đây là một trong những giá trị lớn mà các ứng dụng thành phố thông minh mang lại cho cả người dân và cơ quan quản lý”, ông Hà Minh Hải đánh giá.

Giới thiệu tổng quan về Đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Hà Nội phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng “Văn hiến - văn minh - xanh - thông minh - hiện đại”.

Trong đó, Hà Nội ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực là giao thông đô thị; bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa và du lịch; và bảo vệ môi trường nước, không khí. Hà Nội cũng ban hành chiến lược dữ liệu thành phố Hà Nội với quan điểm: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp.

Về chiến lược dữ liệu thành phố đến năm 2030, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định, dữ liệu sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời trở thành nguồn lực cốt lõi để thúc đẩy Hà Nội phát triển thành đô thị thông minh, hiện đại, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Dữ liệu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố. Không chỉ vậy, dữ liệu còn là nền tảng đảm bảo mục tiêu xây dựng Hà Nội thành một thành phố thông minh, tiên tiến, thành phố kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường quản lý và thúc đẩy sự thịnh vượng cho Thủ đô trong dài hạn”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa chiến lược dữ liệu, ngày 6/12 vừa qua, Hà Nội đã khai trương Trung tâm dữ liệu tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với cách tiếp cận hợp tác công tư, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để vừa tăng cường hiệu quả và tối ưu chi phí đầu tư. Đây là Trung tâm dữ liệu của thành phố đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình này.

Thể chế xây dựng đô thị thông minh dần hoàn thiện

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện thực hóa mục tiêu đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực.

Ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng

Mặc dù, nhiều chính sách hỗ trợ từ chính phủ như đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Tỷ lệ dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng internet cao là điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghệ. Song, việc thu thập và xử lý lượng lớn dữ liệu đòi hỏi giải pháp an ninh mạng toàn diện.

Ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng cho rằng, ngoài các vấn đề như thể chế, nguồn vốn, hạ tầng số, dữ liệu số là một trong những bài toán phải giải trong xây dựng đô thị thông minh.

Hiện tại, dữ liệu vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được trú trọng đầu tư bài bản hơn. Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới của các tỉnh thành, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế xã hội mới.

Ngày 16/12, Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững phiên bản 1.0. Theo đó, Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên các trụ cột phát triển đô thị thông minh bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin với cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Khi đánh giá mức độ trưởng thành đô thị thông minh, đô thị cần hoàn thành tối thiểu 75% số tiêu chí quy định tương ứng với cấp độ được đánh giá. Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, năng lực đánh giá, công nhận đô thị thông minh có trách nhiệm cụ thể hóa các tiêu chí và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.

Các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình, giải pháp số hóa, liên thông, tích hợp, chia sẻ và khai thác dữ liệu phục vụ xây dựng và phát triển đô thị thông minh, các tiện ích đô thị thông minh phải đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin mạng theo các quy định của pháp luật liên quan…

Hướng dẫn áp dụng Bộ tiêu chí được áp dụng thử nghiệm đến hết ngày 31/12/2026.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/du-lieu-lon-nen-tang-chien-luoc-cho-do-thi-thong-minh-post1144731.vov