Dự liệu sớm để ngăn ngừa, hạn chế rủi ro

Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế và Tài chính sáng nay, 19.4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, cần dự liệu sớm để có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế rủi ro, có những quy định để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính khi trung tâm tài chính quốc tế được thành lập và hoạt động.

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, sáng nay, 19.4, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, dự thảo Nghị quyết gồm 6 Chương, 36 Điều. Về thẩm quyền thành lập, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập trung tâm tài chính quốc tế, trong đó quy định một số nội dung chính như mục tiêu, định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế; lộ trình và kế hoạch phát triển; ranh giới trung tâm tài chính quốc tế; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức trong trung tâm tài chính quốc tế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với trung tâm tài chính quốc tế thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, song, các ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro; làm rõ hơn tác động mang lại khi có trung tâm tài chính quốc tế; những kinh nghiệm quốc tế nào được cho là phù hợp để vận dụng vào thực tế Việt Nam.

Về chính sách thuế tại trung tâm tài chính quốc tế, có ý kiến đề nghị rà soát lại tổng thể các ưu đãi về thuế để một mặt bảo đảm tính hấp dẫn nhưng không chênh lệch quá cao, bảo đảm không vi phạm cam kết quốc tế; thủ tục hưởng ưu đãi cần đơn giản, minh bạch; có cơ chế kiểm soát, hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng lợi dụng gây thất thoát ngân sách.

Để bảo đảm căn cứ pháp lý phù hợp, minh bạch, bình đẳng, đề nghị làm rõ mô hình, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc trung tâm tài chính quốc tế, mối liên quan với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; hiệu lực phán quyết, việc tổ chức thi hành; những ưu thế riêng có và điểm khác biệt so với cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo Luật gồm 9 Điều.

Việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Hữu Toàn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Hữu Toàn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật và đề nghị, quá trình nghiên cứu, tiếp thu dự thảo Luật cần được rà soát và đối chiếu với quy định của Hiến pháp, các Luật đang được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, có ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp về tăng cường giám sát đối với các gói thầu như: mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ khoa học và công nghệ; gói thầu chào hàng cạnh tranh; chỉ định nhà đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt... nhằm tăng cường minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý hoạt động đấu thầu, đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là nội dung rất mới, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44. Về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn Tờ trình của Chính phủ đã xác định rõ, đổi mới mô hình tăng trưởng cần có trung tâm tài chính quốc tế để thu hút các nguồn lực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hồ sơ gửi Quốc hội hiện tại có những chính sách khác với kế hoạch trước đây, cần làm rõ cơ sở chính trị để bảo đảm đầy đủ và vững chắc. Cùng đó, nghiên cứu kỹ lưỡng, có những cơ chế đặc thù, đặc biệt giúp tăng sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực quốc tế, đồng thời cần chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đầy đủ để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về nguyên tắc rằng, Quốc hội chỉ có chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế với các nguyên tắc khung chung, giao Chính phủ quy định cụ thể các cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, đến nay, các dự thảo văn bản hướng dẫn vẫn chưa hoàn thiện. Vì vậy, cần xem xét thời điểm chính thức có hiệu lực để sớm được thực hiện đồng bộ trong thực tế.

Về nguyên tắc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, dự liệu được các rủi ro có thể xảy ra. Trung tâm tài chính quốc tế sẽ có tác động rất nhanh, mạnh đến nền tài chính nước ta, vì vậy, cần xác định sớm, dự liệu sớm để có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế rủi ro, có những quy định để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính cũng như về an ninh và quốc phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng một số nội dung trong dự án Luật sửa đổi 7 Luật như: đối tượng áp dụng; bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; chỉ định thầu; mở rộng đối tượng nhà đầu tư cá nhân... để phù hợp với mô hình tăng trưởng mới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lieu-som-de-ngan-ngua-han-che-rui-ro-post410792.html