Dư luận dậy sóng vì Tổng thống Donald Trump: Nhiều nước bảo vệ Cuba, đảng Dân chủ Mỹ kiện chính quyền mới ra tòa
Với việc ký gần 100 sắc lệnh hành pháp về nhiều vấn đề nóng, đảo ngược nhiều quyết định của chính quyền tiền nhiệm, có lẽ chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lường trước những rào cản sẽ phải đối mặt từ động thái này.
Trong hàng loạt sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Mỹ ký, đáng chú ý là việc đưa Cuba trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.
Động thái này đảo ngược quyết định hôm 14/1 của người tiền nhiệm Joe Biden loại Cuba khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc tài trợ khủng bố, sau khi Washington hoàn tất các đánh giá và xác định rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Havana đang hỗ trợ khủng bố quốc tế.
Trước động thái của Tổng thống Trump, ngày 21/1, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, hành động này “không thực sự liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố”, đồng thời nhắc nhở việc Cuba không ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế là "một thực tế không thể phủ nhận”.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời quan chức Nga khẳng định, Moscow sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Cuba trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay lập tức và hoàn toàn bao vây cấm vận.
Nga sẽ tiếp tục đấu tranh để đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cho là bảo trợ khủng bố do Bộ Ngoại giao Mỹ soạn thảo.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cũng phản đối quyết định của tân Tổng thống Mỹ và “những cáo buộc vô căn cứ chống Cuba để áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương là thiếu cơ sở”.
Theo THX, cho rằng các lệnh cấm vận mà Havana đang phải chịu “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, gây ra thảm họa sâu sắc cho người dân Cuba, nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của họ”, Bắc Kinh kêu gọi Washington dỡ bỏ toàn bộ lệnh này sớm nhất có thể.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil cho rằng, quyết định của Mỹ là “vô căn cứ”, thể hiện một "hành động thù địch mâu thuẫn với nguyên tắc của luật pháp quốc tế và bóp méo các nỗ lực toàn cầu vì hòa bình và hợp tác”.
Theo ông Gil, Venezuela kiên quyết lên án quyết định bất công của Tổng thống Mỹ Donald Trump và khẳng định rằng, những hành này chỉ nhằm mục đích “biện minh” cho các biện pháp bao vây cấm vận chống Cuba đã kéo dài hơn 60 năm.
Cũng liên quan phản ứng của dư luận với các sắc lệnh hành pháp mới của chính quyền ông Trump, cùng ngày 21/1, một liên minh gồm 18 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo cùng Đặc khu Columbia và thành phố San Francisco đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Boston, bang Massachusetts, lập luận rằng nỗ lực của vị Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh là hành vi vi phạm Hiến pháp.
Vụ kiện này diễn ra sau 2 vụ tương tự do Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, các tổ chức nhập cư và một bà mẹ tương lai đệ đơn chỉ vài giờ sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp, đánh dấu vụ kiện lớn đầu tiên thách thức một số nội dung trong chương trình nghị sự của ông kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1.
Sắc lệnh đang bị thách thức là một nội dung trọng tâm trong chiến dịch trấn áp nhập cư toàn diện của Tổng thống Trump, chỉ đạo các cơ quan liên bang không công nhận quyền công dân Mỹ đối với trẻ em sinh ra tại nước này nhưng cha mẹ không có tư cách công dân Mỹ.