Dư luận Nga về kết quả bầu cử Tổng thống Pháp
Tối 24/4, theo kết quả kiểm 80% phiếu bầu, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành được gần 55% phiếu ủng hộ, dẫn trước ứng cử viên Marine Lepen với gần 45% phiếu bầu. Bà Lepen đã thừa nhận thất bại.
Dư luận Nga về kết quả bầu cử ở Pháp
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề Quốc tế Vladimir Dzhabarov cho rằng, “Chiến thắng của ông Macron đã được mong đợi, nhưng cuộc bầu cử cũng cho thấy một số thành công nhất định đối với bà Marine Le Pen. Một bộ phận đáng kể người Pháp không hài lòng với các chính sách của Liên minh châu Âu và NATO".
Còn theo Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Alexei Chepa, dữ liệu mới nhất về kết quả cuộc bầu cử ở Pháp xác nhận rằng, ông Macron đang giành chiến thắng với lợi thế lớn hơn. Theo ý kiến của ông, trong chính trị, "đáng để mong đợi một số thay đổi”, vì nhiều lời hứa đã được đưa ra trong cuộc tranh cử. Ở châu Âu, tham vọng của ông Macron hiện "cao hơn bất kỳ ai khác".
Quan hệ Nga-Pháp được thúc đẩy theo hướng nào sau bầu cử?
Kể từ khi bước chân vào chính trường nước Pháp sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống cách đây 5 năm, Tổng thống Macron luôn theo đuổi đường lối đối thoại với Nga. Ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử lần này, ông cũng là người thường xuyên hơn cả trong số các nhà lãnh đạo châu Âu điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình ở Ukraine. Ông Macron nêu rõ sự cần thiết của một cuộc đối thoại như vậy để xây dựng một kiến trúc an ninh mới ở châu Âu. Đồng thời, nhà lãnh đạo Pháp ủng hộ việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Macron đã tuyên bố rằng, nếu được bầu lại vào chức vụ Tổng thống Pháp, ông sẽ tiếp tục đối thoại với Moscow để ngăn chặn các hành động thù địch ở Ukraine.
Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga Konstantin Blokhin lưu ý rằng, ông Macron, với tư cách là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này, không chỉ có lợi cho Liên minh châu Âu mà còn có lợi cho Mỹ. Theo ông, chính sách chung của Paris đối với Moscow sẽ không thay đổi dưới áp lực từ Mỹ và Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Hội đồng Liên bang về các vấn đề Quốc tế Vladimir Dzhabarov tin rằng, chính sách của Pháp phần lớn sẽ được quyết định bởi tình hình kinh tế của đất nước, vì các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ “gây tổn hại cho chính người Pháp”. Mặc dù bây giờ tâm trạng ở Paris là tiếp tục chính sách hạn chế đối với Moscow, chương trình nghị sự kinh tế có thể dẫn đến thực tế là “nhiều vấn đề sẽ được xem xét lại”./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/du-luan-nga-ve-ket-qua-bau-cu-tong-thong-phap-post939369.vov