Dư luận quốc tế bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực ở Sudan
Ít nhất 56 dân thường đã thiệt mạng và hơn 500 người bị thương trong các cuộc giao tranh trên cả nước hơn một ngày qua giữa quân đội Chính phủ và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - nhóm bán quân sự lớn mạnh ở Cộng hòa Sudan. Ngoài ra, trong các lực lượng an ninh cũng có hàng chục người thiệt mạng. Nhiều tổ chức, nhà lãnh đạo quốc tế và khu vực đã lên án cuộc giao tranh này và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tạo cơ hội cho đối thoại.
Căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm khi nổ ra các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội và RSF tại nhiều địa điểm trên toàn quốc, trong đó có cả Thủ đô Khartoum ngày 15/4.
Trong một tuyên bố, RSF cho biết các tay súng của họ đã kiểm soát hơn 90% các địa điểm chiến lược ở Thủ đô Khartoum, giành quyền kiểm soát hoàn toàn Phủ Tổng thống, tư dinh của Tham mưu trưởng lực lượng quân đội cũng như các sân bay Khartoum, căn cứ quân sự Merowe ở phía Bắc và gây thương vong lớn cho quân đội Sudan. Trước đó, nhóm bán quân sự cáo buộc quân đội đã tấn công vào một số cơ sở của lực lượng này ở phía Nam Khartoum.
Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan xác nhận quân đội đang kiểm soát Phủ Tổng thống, trụ sở quân đội và sân bay. Người phát ngôn quân đội, Chuẩn tướng Nabil Abdallah tuyên bố RFS đã châm ngòi cho cuộc giao tranh bằng cách tấn công một số doanh trại quân đội ở Khartoum và những nơi khác xung quanh Sudan. Quan chức này khẳng định rằng "quân đội đang thực hiện nghĩa vụ bảo vệ đất nước".
Trong khi đó, Cơ quan An ninh Liên bang của quốc gia châu Phi này đã tuyên bố những hành động của RSF là một cuộc nổi dậy. Trước tình trạng bạo lực gia tăng, nhiều tổ chức, nhà lãnh đạo quốc tế và khu vực đã lên án cuộc giao tranh này và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tạo cơ hội cho đối thoại. Nguồn tin từ Liên hợp quốc (LHQ) ngày 16/4 tiết lộ, Hội đồng Bảo an (HĐBA) sẽ tiến hành tham vấn về tình hình Sudan theo hình thức họp kín trong ngày 17/4. Trước đó, HĐBA LHQ đã ra tuyên bố nhấn mạnh: "Các thành viên HĐBA kêu gọi các bên lập tức ngừng thù địch và trở lại đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Sudan". Bên cạnh đó, các thành viên HĐBA LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân phát viện trợ nhân đạo đến khu vực này và tái khẳng định cam kết đối với sự thống nhất, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Sudan.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kịch liệt lên án tình trạng bùng phát giao tranh ở Sudan. Ông yêu cầu các lãnh đạo của RSF và Các Lực lượng vũ trang Sudan ngay lập tức chấm dứt những hành động thù địch, khôi phục trật tự và khởi động đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay". Ngoài ra, người đừng đầu LHQ kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ trong khu vực hỗ trợ nỗ lực khôi phục trật tự và quay trở lại lộ trình chuyển tiếp ở Sudan.
Trong thông cáo gửi báo giới, người phát ngôn Dujarric cho biết Tổng Thư ký Antonio Guterres đã thảo luận với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al_Sisi và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat về biện pháp giảm leo thang tình hình tại Sudan. Người đứng đầu LHQ cũng đã điện đàm với chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Dagalo.
Theo người phát ngôn Stephane Dujarric, Tổng Thư ký Antonio Guterres sẽ tiếp tục các nỗ lực, trong đó có việc trao đổi với Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Sudan Abdel Fattah al_Burhan sớm nhất có thể. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cũng lên tiếng kêu gọi các bên giao tranh ở Sudan ngừng bắn và tìm một giải pháp đồng thuận cho cuộc khủng hoảng. Ông nhấn mạnh tình hình hiện nay "sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát" khi các bên dùng bạo lực vũ trang như công cụ để giải quyết các bất đồng chính trị.
Chủ tịch Ủy ban AU kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp một cách thống nhất và khẩn cấp để các bên giao tranh ở Sudan ngừng các hành động quân sự ngay lập tức và trở lại bàn đàm phán. Cơ quan liên chính phủ về phát triển, một tổ chức gồm 8 quốc gia Đông Phi trong đó có Sudan, cũng kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Nhiều quốc gia Arab như Ai Cập, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell kêu gọi tất cả các lực lượng chấm dứt bạo lực ở Sudan ngay lập tức và cho biết toàn bộ nhân viên EU ở Sudan đều an toàn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tại Sudan, đồng thời kêu gọi các nước có ảnh hưởng phối hợp để chấm dứt tình trạng này. Phát biểu ở Hà Nội khi đang có chuyến thăm Việt Nam, ông cho biết tình hình ở Sudan là "mong manh" vì một số tác nhân "có thể đang chống lại tiến trình đó".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho biết ông đã tham vấn những người đồng cấp Saudi Arabia và UAE về các diễn biến mới nhất tại Sudan. Các bên đã nhất trí rằng, điều quan trọng hiện nay là các bên giao tranh cần ngay lập tức chấm dứt thù địch vô điều kiện. Ngoại trưởng Anh James Cleverly nhấn mạnh tình trạng bạo lực đang diễn ra trên khắp Sudan phải chấm dứt ngay lập tức. London kêu gọi lãnh đạo Sudan "làm tất cả những gì có thể" để "kiềm chế quân đội của mình" và giảm căng thẳng, ngăn chặn tình trạng đổ máu thêm.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh khẳng định, "hành động quân sự sẽ không giải quyết được tình hình này". Đại sứ quán Nga tại Sudan cũng bày tỏ lo ngại về "sự leo thang bạo lực" ở quốc gia này, kêu gọi các bên ngừng bắn và cùng ngồi vào bàn đàm phán. Về phía Sudan, các đảng phái chính trị đã kêu gọi ngừng bắn và hối thúc cộng đồng quốc tế cùng các quốc gia trong khu vực triển khai hành động khẩn cấp để ngăn chặn những cuộc giao tranh giữa quân đội và RSF.
Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp, Tổng Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Burhan đã ban hành sắc lệnh giải tán RSF. Ông tuyên bố sẽ không đàm phán hay đối thoại trước khi giải thể lực lượng do Tướng Mohamed Hamdan Dagalo dẫn đầu. Bộ Tổng tư lệnh cũng công bố lệnh truy nã đối với người đứng đầu RSF. Trong khi đó, theo Cựu Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ bị chia cắt: "Sudan đang phải đối mặt với nguy cơ bị chia cắt. Khi một viên đạn được bắn ra, nó sẽ không thể phân biệt được kẻ tấn công, kẻ bị tấn công và nạn nhân chính là người Sudan. Bạo lực phải chấm dứt ngay lập tức, hãy để tiếng nói của lý trí quyết định. Người dân Sudan hãy luôn mạnh mẽ và là chất keo kết dính, đoàn kết đất nước. Một giải pháp hòa bình vẫn nằm trong tầm tay".
Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước. Những căng thẳng hiện tại giữa lực lượng quân đội và RSF bắt nguồn từ việc hai bên bất đồng về cách sáp nhập RSF vào lực lượng quân đội và đơn vị nào sẽ phụ trách giám sát quá trình này. Việc sáp nhập 2 lực lượng này là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.