Dư luận vẫn còn băn khoăn về quy định dạy thêm, học thêm
Dù phần đông dư luận đồng tình, ủng hộ Thông tư 29, nhiều người vẫn còn những băn khoăn khi thông tư này được đưa vào áp dụng thực tế.

Nhiều người ủng hộ Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Phương Lâm.
Trong buổi tọa đàm về tình hình dạy thêm, học thêm, bà Từ Thúy Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), cho biết ban đã tổ chức điều tra dư luận xã hội về vấn đề dạy thêm, học thêm trên quy mô toàn quốc.
Thông qua điều tra này, phần lớn ý kiến dư luận đều thống nhất, đồng tình cao với việc ban hành Thông tư 29. Bởi vì đây là chủ trương đúng đắn, giảm tải học tập cho học sinh, phát huy tính tự học, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tuy nhiên, bà Từ Thúy Quỳnh nhấn mạnh rằng dư luận vẫn còn có những băn khoăn khi nhu cầu học thêm là nhu cầu có thật, cần quản lý chặt chẽ nhưng phù hợp với thực tế. Ngoài ra, khi đưa vào quản lý, cơ quan chức năng cần xử lý triệt để các vấn đề biến tướng của học thêm, dạy thêm.
Tương tự, bà Phạm Thị Hồng, Phó trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nhận định Thông tư 29 là quy định ban hành có ý nghĩa rất lớn về mặt thực tiễn.
Do đó, theo bà Hồng, một chính sách mới ban hành, đặc biệt là chính sách liên quan giáo dục, sẽ có tác động lớn đến xã hội. Khi ban hành, chính sách sẽ có những luồng tư tưởng và ý kiến khác nhau.
Vì vậy, Phó trưởng Ban Dân chủ đề xuất cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đơn vị khi thực hiện, triển khai Thông tư hướng đến mục tiêu hiệu quả, khả thi nhất.
Cũng thảo luận về Thông tư 29, ông Trần Đăng Nghĩa, Phó trưởng Phòng phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội), cho rằng cần lưu ý hơn về công tác quản lý học thêm, dạy thêm trong bối cảnh sáp nhập, tinh gọn bộ máy hiện nay.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia, trao đổi, góp ý tại tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định hiệu ứng của Thông tư 29 cho thấy sự quyết liệt của ngành giáo dục và các bên liên quan trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.
Theo bà Hoa, khi dạy thêm đang tràn lan, khi có những vụ việc tiêu cực, ảnh hưởng đến danh dự của nhà giáo, ngành giáo dục, khi chất lượng giáo dục tại các nhà trường giảm sút, việc ban hành Thông tư 29 là điều cần thiết và đúng đắn.
“Các ý kiến phát biểu thể hiện góc nhìn đa dạng, điều đó càng giúp cho Bộ GD&ĐT có những giải pháp hoàn thiện hơn trong quá trình triển khai, thực hiện”, bà Hoa nhận định.