Dự luật về người Hồi giáo - 'thời khắc quan trọng' của Ấn Độ
Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ ngày 5/4 ra thông báo cho biết Tổng thống nước này Droupadi Murmu đã phê chuẩn Dự luật Waqf sửa đổi năm 2025.

Chiếm 14% dân số, người Hồi giáo là nhóm tôn giáo thiểu số lớn nhất tại Ấn Độ, với khoảng 200 triệu người. (Nguồn: Getty)
Quốc hội Ấn Độ thông qua dự luật vài ngày trước, sau các cuộc tranh luận căng thẳng ở cả hai viện. Dự luật tập trung vào việc thay đổi cách quản lý tài sản của người Hồi giáo trị giá hàng tỷ USD do người Hồi giáo quyên góp trong nhiều thế kỷ. Dù mục đích cốt lõi là quản lý số tài sản này, song mục tiêu là triển khai các phương pháp hiện đại và khoa học để quản lý tốt hơn.
Dự luật gây ra làn sóng tranh cãi liên quan đến tính hợp hiến. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo và các đảng đối lập cho rằng dự luật này "vi hiến" và xâm phạm quyền của cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại Ấn Độ.
Phe đối lập đã lên tiếng phản đối dự luật này và cáo buộc rằng đây là một thủ đoạn khác của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền nhằm làm giảm quyền của các nhóm thiểu số.
Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc cho rằng luật sửa đổi xâm phạm các hoạt động tôn giáo của người Hồi giáo.
Thủ tướng Narendra Modi cho rằng việc thông qua Dự luật sửa đổi năm 2025 là một "thời khắc quan trọng" và điều này sẽ giúp ích cho những người thiệt thòi, những người "bị từ chối cả tiếng nói và cơ hội".