Mỹ 'thẳng tay' áp thuế 104% lên hàng Trung Quốc, không cân nhắc hoãn để đàm phán... và câu trả lời của Bắc Kinh?
Nhà Trắng chính thức thông báo, mức thuế mới của Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 104% vào hôm nay (9/4), đẩy bế tắc kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh tăng thêm một bậc.

Nhà Trắng xác nhận mức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ chính thức tăng lên 104%. (Nguồn: Taylor's University)
Nhà Trắng xác nhận mức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ chính thức tăng lên 104%, có hiệu lực từ 9/4, như lời đe dọa mới nhất từ Tổng thống Donald Trump – cho Bắc Kinh thời hạn đến ngày 7/4 để rút lại mức thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa của Mỹ.
... Và đây là lời đáp trả khi Washington quyết hành động theo kế hoạch, sau khi Bắc Kinh tuyên bố "chiến đấu đến cùng" về thuế quan
Tấn công và trả đũa
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thêm thuế quan 50% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không rút lại các biện pháp trả đũa sắp tới - và Nhà Trắng đã xác nhận rằng, ông Trump quyết hành động.
Theo đó, các loại thuế mới sẽ được áp ngoài mức thuế 20% bị cho là hình phạt đối với hoạt động buôn bán fentanyl, cộng thêm mức thuế đối ứng 34% được công bố vào tuần trước, nâng tổng mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Trung Quốc lên 104%.
Trong một dòng trạng thái gay gắt trên mạng Truth Social vào Chủ Nhật (6/8), Tổng thống Trump tuyên bố, "nếu Bắc Kinh không rút lại mức tăng thuế 34% và xem xét các hành vi lạm dụng thương mại lâu dài của họ vào ngày mai (7/8)... Washington sẽ áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng Trung Quốc là 50%, có hiệu lực từ ngày 9/4".
Ông cũng ra tín hiệu chấm dứt các cuộc đàm phán song phương với Bắc Kinh, tuyên bố rằng "các cuộc họp theo yêu cầu" của Trung Quốc với Mỹ sẽ bị hủy bỏ. Thay vào đó, chính quyền Mỹ sẽ ưu tiên các cuộc thảo luận thương mại với các quốc gia khác.
"Đây là một trong những hành động thương mại quyết liệt nhất mà Mỹ đã thực hiện trong nhiều năm qua”, một quan chức Nhà Trắng cho biết và xác nhận mức thuế mới sẽ được triển khai ngay lập tức
Trung Quốc mới đây cũng “cứng rắn” đáp trả, sẽ áp dụng các biện pháp đối phó với Mỹ để bảo vệ lợi ích của chính mình. Bộ Thương mại nước này cáo buộc, việc Mỹ áp đặt “thuế quan có đi có lại” đối với Bắc Kinh là "hoàn toàn vô căn cứ và là một hành vi bắt nạt đơn phương điển hình".
Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra mức thuế trả đũa và ám chỉ rằng có thể sẽ có thêm nhiều biện pháp nữa.
“Các biện pháp đối phó mà Trung Quốc đã thực hiện nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình, đồng thời duy trì trật tự thương mại quốc tế bình thường. Chúng hoàn toàn hợp pháp", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Mới đây nhất (ngày 8/4), thông điệp được Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nêu tại cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, Bắc Kinh có đủ công cụ chính sách để đối phó với những cú sốc từ bên ngoài.
Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đưa ra quan điểm từ sau khi Tổng thống Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng cuối tuần trước.
Theo bản tóm tắt cuộc điện đàm của EC, ông Lý Cường đã nói những biện pháp kiên quyết mà Trung Quốc đưa ra nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của đất nước, các quy tắc thương mại, công lý, công bằng quốc tế.
Thủ tướng Trung Quốc cũng nói rằng đã cân nhắc nhiều yếu tố bất định trong chính sách vĩ mô năm nay. Ông khẳng định, Bắc Kinh có đủ công cụ chính sách trong tay, hoàn toàn có khả năng đối phó với những cú sốc từ bên ngoài. Thông điệp này cho thấy Bắc Kinh sẽ không nhún nhường dù ông Trump dọa áp thêm thuế 50% với hàng Trung Quốc nếu nước này vẫn giữ nguyên đòn trả đũa.
Không cân nhắc tạm hoãn thuế đối ứng để đàm phán
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ không cân nhắc khả năng tạm hoãn việc áp thuế đối ứng để đàm phán.
Trả lời câu hỏi của báo giới tại cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ông Trump khẳng định, Mỹ đang có cơ hội phục hồi lĩnh vực thương mại, nhiều quốc gia đang lợi dụng Mỹ.
Ông Trump nhấn mạnh, đây là một thỏa thuận công bằng, nên trong nhiều trường hợp các quốc gia vẫn sẽ phải trả mức thuế quan đáng kể. Tổng thống Mỹ cũng cho biết, đã đạt được tiến triển lớn trong đàm phán với nhiều quốc gia và khẳng định, Washington sẽ quay lại trở thành cường quốc về kinh tế.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận, gần 70 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để bắt đầu đàm phán về việc giảm tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Phát biểu trước báo giới, bà Leavitt nói rằng, các thỏa thuận sẽ được ký kết nếu có lợi cho người lao động Mỹ và giải quyết được tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài.
Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo nhóm của ông làm việc về các thỏa thuận "hoàn toàn thích hợp" đối với từng quốc gia đã liên hệ.
Với trường hợp của Trung Quốc, ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng nhấn mạnh mặc dù ông tôn trọng Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng Washington không chấp nhận việc Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và dùng số tiền này để đầu tư cho quân đội.
Ngoài ra, ông Trump cũng không chấp nhận đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về việc miễn thuế đối với hàng hóa công nghiệp của Mỹ. Việc bán hàng hóa tại EU trở nên khó khăn không chỉ do vấn đề thuế quan mà còn là do hàng rào phi thuế quan.
Trước lo ngại rằng chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến các nước khác xích lại gần Trung Quốc hơn, Tổng thống Donald Trump cho rằng, không cần lo ngại điều này vì các quốc gia khác vẫn muốn dựa vào Washington.
Tổng thống Trump khẳng định thuế quan vừa là biện pháp lâu dài vừa là công cụ đàm phán. Bởi vì Mỹ cần nhiều thứ hơn cả thuế nên nước này sẽ đàm phán công bằng và tốt đẹp với tất cả các quốc gia.
Liên quan đến Nga, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết không có bất kỳ hoạt động thương mại nào với Moscow vì nước này đang trong tình trạng xung đột quân sự với Ukraine.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại, mức thuế 104% đánh vào hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu ứng lan tỏa đáng kể, không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Trung Quốc mà còn trên toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.