'Du mục' cùng ong
PTĐT - Những ngày tháng 6, nắng hè chói chang rọi xuống những khoảng không trên rừng cây ăn quả, mồ hôi vương trên vạt áo những người nông dân đưa ong đi kiếm mật.
PTĐT - Những ngày tháng 6, nắng hè chói chang rọi xuống những khoảng không trên rừng cây ăn quả, mồ hôi vương trên vạt áo những người nông dân đưa ong đi kiếm mật. Đây là thời điểm cuối vụ hoa cho những đàn ong tận thu lấy mật để sang cuối tháng 7 hết mùa hoa, chúng lại trở về nghỉ ngơi. Những người nuôi ong họ tự nhận mình là dân “du mục” ngày này, tháng khác rong ruổi theo những mùa hoa đưa ong đi kiếm mật, họ cũng giống như những chú ong cần mẫn đi tìm “hoa thơm, mật ngọt” cho chính cuộc sống của mình.
Xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng có hơn chục hộ nuôi ong, nhà ít có vài chục đàn, còn nhiều như gia đình anh Phạm Văn Linh, khu 5 có hơn 100 đàn. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong, anh Linh tỏ ra là người dày dặn kinh nghiệm khi chia sẻ với chúng tôi về hành trình theo những cánh ong bay. Vật đầu tiên anh nhắc đến khi bắt đầu câu chuyện “du mục” của mình là cuốn sổ tạm trú do xã cấp mang đi theo, hễ đưa ong đến đâu lại xin dấu tạm trú của chính quyền địa phương theo đúng quy định pháp luật. Nuôi ong cũng giống như canh bạc, thứ lộc trời mà nếu may mắn được vụ hoa, thời tiết tốt sẽ thu được còn không may gặp phải thời tiết mưa nắng thất thường, hoa rụng nhiều không thể khai thác được lượng mật sẽ giảm coi như vụ ấy thất thu. Hành trình xa nhất của anh Linh là đưa ong đi lấy mật bạc hà ở Hà Giang mỗi độ tháng 10 đến tháng 12 khi những bông hoa bạc hà phủ tím biếc trên cao nguyên đá. Không đơn thuần là nhấc thùng ong lên xe rồi đi, mỗi chuyến đi như vậy hành trang mang theo là lán trại, là nhu yếu phẩm, xoong nồi, bát đũa để ăn ngủ cùng ong cho đến khi hết vụ mật và đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, kỹ thuật để ong không bị “sốc”. Trước khi đưa lên ô tô để di chuyển đi nơi khác, các tổ ong phải được buộc thật chặt, bịt kín, đặc biệt là phải chờ đến tối khi ong đã về tổ thì mới hoàn tất công việc và di chuyển đi trong đêm, đến Hà Giang trời sáng là vừa kịp. Anh Linh kể: “Đó là vùng đất mà nghe tên thôi cũng đủ biết cheo leo, hiểm trở và khó khăn như thế nào, nơi mà mở mắt ra là đá, bốn bề đều là đá, gồ ghề khó đi. Để có thể di chuyển được 100 thùng ong đến địa điểm đã được định trước phải mất 3 giờ với 10 người vận chuyển. Trên chặng đường “du cư”, mấy anh em cùng đi như chúng tôi phải phối hợp, hỗ trợ nhau từ việc vận chuyển đặt đõ ong đến công đoạn quay mật”.
Cũng như anh Linh, anh Đinh Văn Nghìn ở xóm Bình, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn đã có 20 năm bén duyên với nghề, với 160 đàn ong. Khi mới bắt đầu đưa ong đi lấy mật ở xa, anh Nghìn phải khảo sát trước địa bàn, tìm được nơi thích hợp, thỏa thuận với chủ vườn rồi mới chuyển ong lên và cứ như thế những năm sau chỉ cần đến mùa lại di chuyển chúng đi mà không cần phải lên khảo sát lại. Thống nhất được với chủ vườn nên việc nuôi ong theo hình thức này cũng mang lại lợi ích cho đôi bên, người nuôi ong khai thác được phấn hoa, chủ vườn được trả tiền thuê khoảng 2-3 triệu đồng/1 vụ tùy vào diện tích, số lượng cây trái cho hoa và thời gian thuê. Hằng năm, cứ độ tháng 2, anh Nghìn lại khăn gói cùng với một số người cùng nuôi trong xã ngược rừng núi di chuyển đàn ong về Yên Bái, Sơn La dưỡng cho ong khỏe để bước vào vụ mật nhãn, vải, bởi nơi đây có những đồi nhãn rộng bạt ngàn và cũng là vùng mà cây ăn quả người dân để “sạch” không phun thuốc nên đảm bảo sự an toàn cho đàn ong cũng như chất lượng mật, lại không lẫn với mật keo. Hết mùa mật nhãn lại đưa ong về lấy mật rừng từ cuối tháng 3 đến tháng 6. Anh Nghìn chia sẻ: “Nuôi ong du mục có nhiều vất vả hơn so với nuôi ong tại chỗ, từ nơi ăn, chốn ở đến việc vận chuyển nhưng bù lại sẽ cho nguồn phấn hoa phong phú và sản lượng mật cao nếu được mùa. Mỗi vùng đất, mỗi mùa lại có một vụ hoa và khí hậu khác nhau đó là điều mà người nuôi ong phải hiểu rõ để đưa ong đi kiếm mật”. Theo những người nuôi ong, trung bình nếu mùa hoa nở rộ và chất lượng, cứ độ 10-15 ngày có thể quay mật, mật nhãn với giá bán khoảng 200.000 đồng/lít, mật bạc hà 400.000 đồng/lít và mật hoa rừng khoảng 100.000 đồng/lít.Hiểu từng vùng đất, mùa hoa, mỗi chuyến di chuyển hàng trăm thùng ong là những chuyến mưu sinh thấm đẫm sự nhọc nhằn, vất vả, với cảnh màn trời chiếu đất, không điện và đầy muỗi… thậm chí đối mặt với những rủi ro khôn lường. Người nuôi ong du mục giống như những thủ lĩnh nắm trong tay cả triệu quân tí hon hành quân trên mọi nẻo đường từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ cánh rừng này sang cánh rừng khác để tìm kiếm mật ngọt với hy vọng về một mùa mật bội thu, mang lại nguồn thu nhập để thay đổi cuộc sống khó khăn.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202007/du-muc-cung-ong-171795