Dư nợ margin của Chứng khoán BSC đạt gần 3.400 tỷ đồng

Tại thời điểm cuối quý I/2023, dư nợ margin của Chứng khoán BSC tăng đến 695 tỷ đồng trong vòng 3 tháng lên mức 3.389 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - mã chứng khoán: BSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023.

Theo đó doanh thu hoạt động của công ty đạt 287 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu đến từ doanh thu mảng môi giới giảm tới 54% so với cùng kỳ, xuống còn 53,4 tỷ đồng. Mảng mảng tư vấn tài chính cũng giảm tới 94% xuống còn chưa đầy 1 tỷ đồng trong vòng 3 tháng đầu năm.

Ngược chiều, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và khoản lãi từ cho vay và phải thu tăng lần lượt 28% và 4% lên 125 tỷ đồng và 92 tỷ đồng.

Thêm vào đó, chi phí của quý của BSC này ghi nhận giảm đồng loạt, chi phí hoạt động giảm 27% xuống còn 110 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí môi giới ghi nhận 43 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính cũng giảm 70% xuống còn 17 tỷ đồng, duy chỉ có chi phí quản lý công ty tăng nhẹ 23% so với cùng kỳ lên 40 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, BSC ghi nhận lãi sau thuế đạt 98 tỷ đồng, tăng 17% so với quý I/2022, đây là mức lãi cao nhất trong vòng 5 quý gần nhất.

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty đạt con số 6.467 tỷ đồng, tăng 15,7% so với hồi đầu năm 2023, tuy nhiên khoản mục tiền và tương đương tiền giảm hơn 60% xuống còn 293 tỷ đồng.

Trong khi đó, mục các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lại nhích nhẹ 22% lên gần 1.772 tỷ đồng. BSC đang gia tăng nắm giữ trái phiếu chưa niêm yết và chứng chỉ tiền gửi trong khi giảm khoản mục cổ phiếu và trái phiếu niêm yết.

Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục tài sản tài chính là trái phiếu chưa niêm yết với 987 tỷ đồng, tăng 35% so với hồi đầu năm; kế đến là trái phiếu của các tổ chức tín dụng chiếm hơn 840,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng tăng gấp lượng sở hữu chứng chỉ tiền gửi, 404 tỷ đồng.

Trong mục cổ phiếu niêm yết, công ty đã giảm 25% số lượng cổ phiếu nắm giữ so với hồi cuối năm 2022, còn 144 tỷ đồng. Một số mã chiếm tỉ trọng lớn bao gồm STB, VIB, DGC, IDC, FPT,… khoản đầu tư mã IDC, DGC, FPT mới phát sinh trong quý I này.

Ở danh mục các khoản cho vay, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán của khách hàng tại quý I đạt 3.493 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm, trong đó gốc cho vay hoạt động ký quỹ (margin) đạt 3.389 tỷ đồng, tăng hơn 695 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, khoản ứng trước tiền bán chứng khoán giảm 61% so với đầu năm xuống 103 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu BSI trong vòng 1 năm qua (Nguồn: Trading View).

Diễn biến cổ phiếu BSI trong vòng 1 năm qua (Nguồn: Trading View).

BSC mới đây đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, theo đó công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần kết quả thực hiện năm 2022. Tỉ lệ cổ tức dự kiến 10%. Ngoài ra, BSC dự kiến sẽ đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV nhằm sát với tên doanh nghiệp bằng tiếng Anh.

Như vậy tính riêng trong quý I/2023, công ty đã hoàn thành gần 21% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Sang năm 2023, Chứng khoán BIDV cũng đặt ra mục tiêu lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/4, cổ phiếu BSI đóng cửa tại mức tăng 0,38% lên 26.300 đồng/cổ phiếu, so với đáy hồi tháng 11/2022, cổ phiếu đã tăng gần gấp 3 lần thị giá.

Phạm Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/du-no-margin-cua-chung-khoan-bsc-dat-gan-3400-ty-dong-a603115.html