Dư nợ tín dụng do các tổ chức hội nhận ủy thác quản lý đạt 220.454 tỷ đồng
Sáng 1-10, Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 tổ chức hội: Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân và Đoàn Thanh niên tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giai đoạn 2015 - 2020. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Sáng 1-10, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và 4 tổ chức hội: Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân và Đoàn Thanh niên tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giai đoạn 2015 - 2020. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Theo báo cáo, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng đã góp phần tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, hạn chế nạn cho vay nặng lãi; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, tổng dư nợ tín dụng do 4 tổ chức hội trên cả nước nhận ủy thác quản lý đạt 220.545 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ (tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014). Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 11,8%, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ; nợ quá hạn là 556 tỷ đồng, chiếm 0,26% tổng dư nợ (giảm 0,15%); mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trên cả nước trên 173.700 tổ…
Riêng tại Khánh Hòa, từ năm 2015 đến cuối năm 2019, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể đạt 2.832 tỷ đồng, chiếm 99,9%/tổng dư nợ với 117.755 hộ vay vốn còn dư nợ; nợ xấu là 13,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,48% tổng dư nợ (tăng 4,6 tỷ đồng).
Giai đoạn 2021 - 2030, Ngân hàng CSXH phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trong hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách gồm: Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 6 - 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%; tỷ lệ thu lãi trên 95%; nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng bình quân trên 20%... Để hoàn thành các mục tiêu trên, Ngân hàng CSXH sẽ triển khai thực hiện các giải pháp như: Tập trung huy động, khơi thông nguồn vốn nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; các tổ chức nhận ủy thác phối hợp với trưởng thôn thực hiện công tác kiểm tra 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân; xây dựng cơ chế chi trả phí ủy thác vùng khó khăn cao hơn tối thiểu 20% so với vùng không khó khăn. Phối hợp với chính quyền các cấp rà soát, lập danh sách, phân tích nhu cầu, điều kiện, khả năng sử dụng vốn của các đối tượng; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong tiếp cận vốn, sử dụng vốn hiệu quả và trách nhiệm hoàn trả vốn vay…
THÀNH NAM