Dư nợ tín dụng tăng trưởng trở lại
Nếu như quý I/2023, dư nợ liên tiếp sụt giảm, thì đến quý II đã tăng trưởng trở lại. Điều này cho thấy kinh tế có dấu hiệu phục hồi và những hiệu quả đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, việc các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động, cho vay vào các tháng 3, 4, 5, 6 giúp các tổ chức tín dụng có sự kỳ vọng cao vào tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Với nhiều cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng, đã rất lâu rồi họ mới chứng kiến hình thái dư nợ ở các tổ chức tín dụng giảm mạnh như năm nay. Như lời đồng chí Giám đốc Agribank chi nhánh Tam Dương chia sẻ: "6 năm nay, tôi mới thấy tăng trưởng tín dụng âm. Trước đó, từ những năm 2012-2013 dư nợ cũng giảm mạnh, đến năm nay (2023) chu kỳ tiếp tục được lặp lại. Đến thời điểm này, nguồn vốn huy động ở Agribank chi nhánh Tam Dương tăng gần 100 tỷ đồng so với cuối năm 2022, nhưng dư nợ lại giảm 20 tỷ đồng. Phấn đấu đến tháng 7/2023, tổng dư nợ sẽ bằng cuối năm 2022, tức là giải ngân được hơn 20 tỷ đồng”.
Lý giải về việc ngân hàng rơi vào tình cảnh “thừa vốn nhưng thiếu người vay”, lãnh đạo Agribank chi nhánh Tam Dương cho rằng, từ đầu năm đến nay, do suy thoái kinh tế, nên bà con nông dân ở địa phương chăn nuôi cầm chừng. Mặt khác, chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra bấp bênh, điện bị cắt luân phiên… nên người dân không dám mạo hiểm vay vốn đầu tư mở rộng quy mô hoặc tái đàn.
Mặc dù có thế mạnh về phát triển chăn nuôi, nhưng 3 năm nay, chăn nuôi ở địa phương chưa thực sự khởi sắc. Thậm chí, nhiều nông dân phải chia nhỏ mô hình chăn nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro về tài chính. Thay vì chuyên nuôi lợn hoặc gà, nhiều trang trại phải “ôm đồm” nuôi cả lợn, gà, bò… các loại. Điều này kéo theo việc gia tăng chi phí đầu tư, giảm lợi nhuận, nhưng bù lại có sự chắc chắn về nguồn vốn hơn.
Không riêng Agribank chi nhánh Tam Dương, ngay đến địa bàn thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, việc thực hiện chỉ tiêu tín dụng của một số ngân hàng cũng gặp khó khăn. Theo Giám đốc Agribank chi nhánh Thổ Tang, những năm trước, ngân hàng chưa bao giờ “thừa vốn”, bởi nhu cầu đầu tư của người dân địa phương luôn ở mức cao.
Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2023, dư nợ tại ngân hàng giảm đáng kể do kinh tế suy thoái, hàng hóa tiêu thụ của tiểu thương bị chững lại. Cùng với đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhiều nhóm ngành hàng được đưa về chợ đầu mối nhiều khiến thị trường kinh tế sầm uất như thị trấn Thổ Tang cũng trở lên trầm lắng hơn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, quý I/2023, tổng dư nợ ở các tổ chức tín dụng đạt 114.798 tỷ đồng; giảm 999 tỷ đồng (-0,86%) so với tháng 12/2022, trong đó, tháng 1 giảm 0,74%, tháng 2 giảm 0,86%.
Nguyên nhân do 3 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái. Mặt khác, tín dụng cho bất động sản tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng quý I tăng trưởng chậm…
Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong các tháng 3, 4, 5, 6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay. Động thái này đã có những tín hiệu tích cực khi tăng trưởng tín dụng trong quý II, đặc biệt là tháng 5, 6 có sự khởi sắc.
Cụ thể, tổng dư nợ cho vay ở các tổ chức tín dụng đang “âm”, nhưng đến tháng 4 đã tăng lên 2,77% so với cuối năm 2022 (đạt 119.000 tỷ đồng), sang tháng 5 tăng thêm 3,64% và đến tháng 6 đã tăng gần 4,5%. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 86.500 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cuối năm 2022, chiếm 71,49% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 5,46% so với cuối năm 2022, chiếm 28,51% tổng dư nợ.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Agribank chi nhánh Tam Dương cho biết thêm: “Với hơn 5.000 khách hàng, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, nhưng ngân hàng vẫn kiên trì đồng hành, chia sẻ với bà con nông dân. Đáng phấn khởi nhất là cuối tháng 6/2023, tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng trở lại cho thấy nền kinh tế có sự phục hồi và phát triển.
Theo kế hoạch, đến hết tháng 6/2023, ngân hàng sẽ giải ngân được một số món vay với số tiền 10 tỷ đồng. Sang tháng 7, tiếp tục giải ngân được 15 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ lên hơn 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 25 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng chưa thực sự ấn tượng, nhưng đó là dấu hiệu tích cực phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm có sự khởi sắc. Điều này có sự tác động từ việc 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, từ hơn 11%/năm, lãi suất cho vay tại Agribank chi nhánh Tam Dương hiện nay giảm còn hơn 9%/năm, giúp người nông dân có điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh phục vụ thị trường những tháng cuối năm".
Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng phấn đấu đạt từ 14-15%, đây là thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh 3 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay ở các tổ chức tín dụng liên tiếp sụt giảm. Tuy nhiên, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực giải ngân nhiều gói vay như tín dụng đối với doanh nghiệp, tín dụng chính sách, các lĩnh vực ưu tiên, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Để thúc đẩy giải ngân trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, đẩy lùi tín dụng đen; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước…
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay khi mở rộng tín dụng; mở rộng phát triển các sản phẩm, kênh cho vay phù hơp với nhu cầu tiêu dùng của người dân...