'Dù ở cấp nào thì cán bộ cũng phải là người gần dân, sát dân'
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chính thức diễn ra. Một trong những vấn đề mà nhân dân dành sự quan tâm đó chính là công tác nhân sự của Đại hội.
Phải bản lĩnh để vượt qua được những cám dỗ về vật chất, về tiền bạc
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đảng viên chính là những cán bộ rường cột của nước nhà, là công bộc của dân, vì vậy phải luôn tự trau dồi, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, luôn tự soi, tự sửa lại mình để không xảy ra những điều mà không ai muốn.
Bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cho rằng, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sắp tới sẽ là nhân tố chủ chốt để quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chính vì vậy, việc người dân dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác nhân sự là điều dễ hiểu.
Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém", ông Vũ Trọng Kim nêu quan điểm, các cán bộ cấp chiến lược phải thường xuyên đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường, đây là vấn đề rất quan trọng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc đi, nhắc lại khi nói về công tác nhân sự.
Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội khóa XIV này, để làm được những điều trên thì cán bộ phải là những người có tâm, có tài và bản lĩnh chính trị vững vàng. "Để không mắc phải sự cám dỗ và không sa ngã, mỗi cán bộ cần phải tự đấu tranh, tự răn mình, có bản lĩnh vượt qua được những cám dỗ về vật chất, về tiền bạc" - ông Vũ Trọng Kim nói.
Hiểu được nhân dân mong muốn gì
Cùng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, tiến tới Đại hội Đảng khóa XIII, công tác nhân sự đã được Trung ương thực hiện với các quy trình rất chặt chẽ, qua nhiều bước.
Có thể thấy rằng, ở nhiệm kỳ này việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền được Trung ương rất quan tâm. Cụ thể đó là Quy định số 205 của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ được dư luận ủng hộ cao. Với quy định này, lần đầu tiên, quyền lực trong công tác cán bộ đã được kiểm soát trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng.
Bên cạnh với những tiêu chí, tiêu chuẩn đã được Trung ương quy định, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, các cán bộ cấp chiến lược phải là người thực sự vì nước, vì nhân dân, không có biểu hiện gì dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm.
"Dù ở cấp nào thì cán bộ cũng phải là người gần dân, sát dân, hiểu được nhân dân mong muốn gì. Đặc biệt là trong những thời điểm quyết định, cán bộ lãnh đạo càng phải thể hiện được phẩm chất, năng lực, sự xông xáo, nhiệt tình trong giải quyết với công việc, cùng nhân dân đương đầu vượt qua khó khăn, thách thức" - ông Chức nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng "Ta chọn đúng người thì dân được nhờ, cách mạng được nhờ, đất nước phát triển". Suy nghĩ này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng là suy nghĩ của toàn Đảng, toàn dân, bởi lẽ đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là tinh hoa của Đảng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Mặt khác, nếu không tinh tường chọn đúng cán bộ để những người không đủ đức - tài vào cương vị lãnh đạo sẽ có hậu quả khôn lường, là tai họa của Đảng, hại nước, hại dân.