Dự phòng cần thiết phòng, chống bệnh dại

Mùa hè là thời điểm bệnh dại dễ bùng phát do khí hậu nóng bức. Tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại là biện pháp dự phòng cần thiết để bảo vệ tính mạng khi bị chó, mèo cào, cắn.

Người dân cần tiêm vắc-xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cào, cắn.

Người dân cần tiêm vắc-xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cào, cắn.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường từ 2 đến 8 tuần, có thể khoảng 10 ngày hoặc 1 - 2 năm.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính riêng trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh có 212 người bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc-xin phòng dại và 30 người phải tiêm huyết thanh kháng dại. Trong đó, huyện Bảo Thắng có 85 trường hợp, huyện Si Ma Cai 40 trường hợp, huyện Văn Bàn 28 trường hợp, huyện Mường Khương 23 trường hợp, huyện Bảo Yên 16 trường hợp, huyện Bát Xát 10 trường hợp, huyện Bắc Hà 2 trường hợp và thị xã Sa Pa 13 trường hợp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 963 trường hợp phải tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Nhiều người bị các vết thương ở tay, chân, thân và cả những vết cắn ở đầu, mặt, cổ. Có đến 723 người bị vết thương mức độ II cần tiêm ngay vắc-xin dại và 187 người bị vết thương mức độ III cần tiêm ngay huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại.

Đầu tháng 4, trên địa bàn thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng) đã xảy ra trường hợp 2 trẻ bị chó dại cắn. Gia đình đã đưa 2 trẻ đi tiêm vắc-xin phòng dại. Sau khi nhận được thông tin, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng đã mang não chó đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, kết quả là con vật dương tính với vi-rút dại. Cán bộ y tế địa phương đã tuyên truyền để những trường hợp phơi nhiễm cũng đi tiêm ngay vắc-xin phòng dại.

Ông Phạm Xuân Chiến, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Hiện nay, do biến đổi khí hậu nên vi-rút dại cũng biến đổi. Những con vật mắc dại hiện nay chủ yếu ở thể bại liệt (thể câm) không có biểu hiện rõ ràng như thể điên cuồng nên khó phát hiện. Bệnh dại cũng không chỉ có ở vùng nóng như trước đây mà còn xuất hiện ở các vùng có khí hậu lạnh, vùng cao, vùng sâu. Bệnh dại có thể phòng tránh được khi người bị chó dại cắn hoặc những người có nguy cơ phơi nhiễm vi-rút dại (như cán bộ thú y, người giết mổ gia súc, người đến các khu vực đang có dịch bệnh dại…) tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Cũng theo ông Phạm Xuân Chiến, dùng vắc-xin dại tế bào hoặc cả vắc-xin và huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng là biện pháp bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu. Bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc cần được khám càng sớm càng tốt để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại hoặc vắc-xin và huyết thanh kháng dại.

Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại vắc-xin, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. 100% trường hợp tử vong do bệnh dại là các trường hợp không tiêm vắc-xin phòng bệnh. Hiện nay, người dân có thể tiêm vắc-xin phòng dại tại trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố hoặc các trung tâm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn thành phố. Vắc-xin dại tế bào là loại vắc-xin tốt nhất, từ năm 1992, nước ta đã dùng vắc-xin dại tế bào Verorab để điều trị dự phòng. Ngành y tế đã và đang cung cấp đầy đủ vắc-xin phòng bệnh dại cho các đơn vị y tế để phục vụ người dân.

Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 3.604 người phải tiêm vắc-xin phòng dại, 450 người tiêm huyết thanh kháng dại. Cũng trong năm 2019, có 2 ca tử vong do bệnh dại (tại thành phố Lào Cai và huyện Văn Bàn). Năm nay, tính đến đầu tháng 5, trên địa bàn tỉnh chưa có ca tử vong do bệnh dại. Theo khuyến cáo của ngành y tế, tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; không cúng bái hoặc dùng thuốc nam chữa trị để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. Người dân cũng cần chấp hành việc tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo và quản lý đàn chó, mèo nuôi bằng cách đeo rọ mõm, dùng dây xích, đồng thời thực hiện cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại…

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/du-phong-can-thiet-phong-chong-benh-dai-z5n20200515083931951.htm