Dự phòng kịch bản cho chiến tranh thương mại leo thang
Xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế nói chung sẽ tiếp tục chịu áp lực do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể sớm giảm bớt.
Với khối lượng xuất khẩu đã giảm kể từ đầu năm, bất kỳ sự gia tăng căng thẳng thương mại nào giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ kéo lùi sự tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng.
Bà Sian Fenner, cố vấn kinh tế của ICAEW, Trưởng chuyên gia kinh tế Oxford khu vực châu Á dự báo, GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 5,3% trong năm 2018 xuống 4,8% trong năm nay và 4,7% vào năm 2020.
Chuyên gia trên phân tích, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây đã leo thang trở lại. Mỹ đã nâng thuế suất từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc trả đũa bằng cách nâng thuế suất từ 5-25% đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Mới đây, Mỹ công bố thêm một danh mục hàng hóa trị giá 300 tỷ USD với ngụ ý rằng, gần như tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể phải đối mặt với mức thuế suất cao hơn.
Những diễn biến trên cho thấy, khó có thể đạt được thỏa thuận về các chính sách, thực tiễn công nghệ, tiếp cận thị trường và sở hữu trí tuệ đủ để thỏa mãn phía Mỹ và chấp nhận được với Trung Quốc.
“Ngay cả khi một thỏa thuận thương mại xuất hiện, với tình hình căng thẳng như hiện nay, chúng tôi cho rằng, thuế quan hiện tại sẽ không sớm được dỡ bỏ”, bà Sian Fenner nhận định.
Sự leo thang trở lại của căng thẳng thương mại diễn ra vào thời điểm tăng trưởng xuất khẩu trên toàn khu vực Đông Nam Á đang trong tình trạng ảm đạm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu, cũng như sự gia tăng bảo hộ thương mại trong năm qua và Việt Nam không là ngoại lệ.
Thực tế, tăng trưởng kinh tế quý I/2019 của Việt Nam đạt 6,8%, thấp hơn mức tăng GDP 7,3% của quý IV/2018, trong khi các nền kinh tế Đông Nam Á còn lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu. Trong tháng 4/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 10,4% so với cùng kỳ 2018, nhưng vẫn sụt giảm so với mức tăng trưởng 13,3% được ghi nhận trong năm 2018.
Theo dự báo của Oxford, tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đà suy giảm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu và tăng cường bảo hộ thương mại. Sự tái leo thang gần đây trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ làm tăng áp lực giảm đối với nhu cầu bên ngoài.
Một số ý kiến cho rằng, sự chuyển hướng thương mại đang tạm thời có lợi cho Việt Nam, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Cụ thể, tổng xuất khẩu sang Trung Quốc theo giá trị gia tăng chiếm 10,3% GDP trong năm 2017, trong đó khoảng 85% được sử dụng để đáp ứng nhu cầu nội địa Trung Quốc.
Oxford cho rằng, Việt Nam cần có những cải cách cơ cấu để giúp cải thiện khả năng kinh doanh trong nước của các doanh nghiệp, cũng như tăng khả năng mở rộng sản xuất, đặc biệt là công nghệ thông tin, một ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh.
Ở trong nước, các chuyên gia kỳ vọng, nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn 2019-2020, chi tiêu hộ gia đình vẫn sẽ ổn định trong bối cảnh lạm phát ổn định và thu nhập tăng, trong khi ngành du lịch phát triển bền vững sẽ hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ.
“Chúng tôi dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,7% trong năm nay và tăng khiêm tốn hơn trong năm 2020-2021 ở mức 6,1% /năm”, bà Sian
Fenner nhận định.
Về chính sách tiền tệ, tổ chức kinh tế này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25% trong năm nay. Chính sách hiện nay vẫn có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Tương lai xa hơn, các cơ quan chức năng có thể sẽ tăng lãi suất chính sách lên 6,75% vào cuối năm 2020 để giảm rủi ro bất ổn tài chính.