Dự phóng KQKQ quý III: Bán lẻ, năng lượng và khu công nghiệp bứt phá, thêm một quý buồn của nhóm BĐS

Trái với đà bứt phá của một số ngành trong quý III, MBS dự báo lợi nhuận nhóm bất động sản có thể suy giảm trong quý này do còn thiếu vắng các dự án mở bán hay nhóm dầu khí đến từ kết quả kém tích cực của doanh nghiệp hạ nguồn.

Chứng khoán MBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt mức tăng 19,5% so với cùng kỳ trong quý III hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng đang trên đà phục hồi.

Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ (quý II tăng 19,5%).

Các ngành được dự báo có thể tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm bán lẻ (tăng 381% so với cùng kỳ), năng lượng (tăng 321%), bất động sản khu công nghiệp (tăng 169%) từ nền thấp cùng kỳ.

Một số ngành ước tính lợi nhuận suy giảm như bất động sản (giảm 3% so với cùng kỳ) do còn thiếu vắng các dự án mở bán hay dầu khí (giảm 11%) do kết quả kém tích cực ở nhóm doanh nghiệp hạ nguồn.

Ngành bất động sản phân hóa

Kết quả kinh doanh (KQKD) quý III sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp theo khu vực. Tính đến hết thánh 6 nguồn cung căn hộ tại TP HCM tiếp tục hạn chế với chỉ khoảng 1.676 sản phẩm mới (giảm 59% so với cùng kỳ) và mặt bằng giá chỉ tăng khoảng 6%. Nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án cao cấp với pháp lý rõ ràng, của các nhà phát triển nước ngoài tiềm lực mạnh hoặc các giai đoạn tiếp theo của các dự án đã mở bán trong quá khứ.

Trái ngược lại với khu vực phía Nam, Hà Nội chứng kiến nguồn cung mới tăng vọt 176% so với cùng kỳ, đạt 10.841 sản phẩm mới - mức cao nhất trong vòng 5 năm. Mặt bằng giá tại khu vực này cũng tăng mạnh và đang bắt kịp với khu vực phía Nam khi giá đã tăng 22% so với cùng kỳ.

Với việc ba bộ luật bất động sản quan trọng có hiệu lực, MBS cho rằng sẽ cần thêm thời gian để các địa phương xây dựng bảng giá đất chính thức, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án hơn.

Các doanh nghiệp bất động sản với thị trường trọng điểm phía Nam như NVL, DXG sẽ tiếp tục ghi nhận KQKD quý III khiêm tốn khi thiếu vắng các dự án mở bán mới và tình hình thị trường trầm lắng.

Một số doanh nghiệp với các dự án hoàn thiện pháp lý như KDH, NLG sẽ có thể có lợi thế trong thời gian sắp tới dựa vào thời điểm mở bán.

Các doanh nghiệp bất động sản với các dự án tập trung tại khu vực phía Bắc như VHM có thể sẽ tiếp tục hưởng lợi từ mức thanh khoản cao và pháp lý hoàn thiện.

Ảnh minh họa: Vinhomes.

Ảnh minh họa: Vinhomes.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng

KQKD quý III nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ dòng vốn FDI tích cực từ đầu năm.

Tuy nhiên mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý III sẽ khác nhau giữa các công ty khu công nghiệp do thời điểm bàn giao đất trong năm.

KBC có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng đột biến từ mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái. BCM có thể ghi nhận lợi nhuận ròng cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ chuyển nhượng đất dân cư cho IJC.

Còn với IDC và SZC, quý III thường ghi nhận KQKD thấp hơn so với các quý khác trong năm, MBS dự phóng lợi nhuận ròng sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ nhờ các hợp đồng MOU đã ký.

Nhìn chung 9 tháng, các doanh nghiệp khu công nghiệp sẽ ghi nhận KQKD cao hơn so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp có mảng cao su sẽ được hỗ trợ từ giá cao su thế giới tăng mạnh từ đầu năm. Nguyên nhân do nguồn cung thiếu hụt bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi cho thu hoạch và nhu cầu vẫn tăng mặc dù thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại.

Điều này giúp KQKD của các công ty cao su tích cực cho đến cuối năm. Dự phóng lợi nhuận ròng của GVR có thể tăng 182% so với cùng kỳ nhờ giá bán cao su cao và lợi nhuận ròng của PHR cao hơn 35% nhờ giá bán tăng và tiền thu từ thanh lý cây cao su ghi nhận trong quý này.

Ngành vật liệu cơ bản vượt qua khó khăn

Ngành vật liệu cơ bản gặp nhiều khó khăn khi giá hàng hóa nói chung suy giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn có thể ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, điểm sáng từ nhóm các doanh nghiệp thép.

Trong quý III ngành thép gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu yếu tại nước này và các thị trường xuất chính như EU, Mỹ có động thái điều tra chống bán phá giá.

Tuy nhiên, nhu cầu nội địa trở thành điểm sáng trong bối cảnh tiêu thụ nội địa tăng trưởng 20% so với cùng kỳ nhờ đóng góp của thép xây dựng với mức tăng 25%.

Các nhà phân tích đánh giá, biên lợi nhuận gộp toàn ngành cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu như than, quặng giảm lần lượt 17% và 12% trong khi giá thép xây dựng giảm 9% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa: Hòa Phát.

Ảnh minh họa: Hòa Phát.

HPG có thể ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 2.257 tỷ (tăng 13% so với quý III/2023) chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện 1 điểm % lên khoảng 11% và chi phí tài chính giảm 7%.

Đối với các doanh nghiệp tôn mạ, lợi nhuận ròng của NKG dự kiến tăng 270% so với cùng kỳ nhờ biên gộp cải thiện lên mức lên mức 7% (từ khoảng 2,5% của năm 2023) trong khi HSG giảm 78% do nền cao trong quý III/2023.

Sắp tới, giá thép trong nước có nhiều triển vọng phục hồi nhờ áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường bất động sản của nước này như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5%, giảm lãi suất 7 ngày 20 điểm cơ bản xuống còn 1,5%, cắt giảm lãi suất cho vay mua nhà, hạ tỷ lệ trả trước khi mua nhà xuống còn 15%,...

Những nỗ lực này có thể khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế về thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong quý IV các doanh nghiệp thép nội địa cũng sẽ trông đợi vào khả năng giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá sẽ được ban hành kỳ vọng vào tháng 12.

Ngành dầu khí triển vọng thượng nguồn tích cực nhờ Lô B – Ô Môn

Dự đoán quý III tiếp tục là một quý ghi nhận KQKD phân hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Giá dầu ghi nhận mức giảm tương đối mạnh (giảm 15,2% kể từ đầu quý) do các yếu tố về nhu cầu thấp lấn át tác động của nguồn cung hạn chế.

Việc này có thể tác động tiêu cực đến một số doanh nghiệp ởphía hạ nguồn như PLX và BSR, khi PLX có thể phải tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, còn BSR bị ảnh hưởng do crack spread tiếp tục ở mức thấp.

Tuy nhiên, do đã kết thúc đợt bảo dưỡng, sản lượng của BSR đã hồi phục do đó KQKD vẫn có thể cao hơn quý II trước đó.

Ở phía thượng nguồn, PVS đã được trao thầu toàn bộ cho hai gói thầu thuộc dự án Lô B, Ô Môn để triển khai mạnh hơn đồng thời bàn giao các cấu kiện cho dự án nhà máy điện Jurong của Singapore, do đó có thể ghi nhận KQKD tích cực hơn.

Phía PVD giá cho thuê giàn không có nhiều thay đổi, giàn khoan đất liền không hoạt động trong quý III nhưng đã kết thúc bảo dưỡng do đó có thể giảm các áp lực chi phí lên doanh nghiệp.

Ở khu vực trung nguồn, PVT được kỳ vọng ghi nhận KQKD tích cực khi cước vận tải dầu ổn định, doanh nghiệp nhận thêm ba tàu mới và ghi nhận thanh lý tàu PVT Synergy khoảng 150 tỷ đồng.

Trong khi đó, KQKD của GAS có thể kém tích cực hơn so với quý II khi sản lượng khí khô có thể giảm so với quý trước do tiêu thụ từ các nhà máy điện khí giảm, tuy nhiên có thể ghi nhận thêm đóng góp từ kinh doanh LNG.

Ảnh minh họa: Petrotimes.

Ảnh minh họa: Petrotimes.

Lợi nhuận nhóm điện được hỗ trợ từ tỷ giá giảm và thủy điện tích cực

Tính đến ngày 25/9, tỷ giá USD/VND đã giảm 3,5% so với cuối quý II trong khi cơ cấu vốn vay của các doanh nghiệp ngành điện được tài trợ một phần bằng đồng USD, do đó các doanh nghiệp điện sẽ có thể ghi nhận lãi tỷ giá trong quý này, đặc biệt là PC1, PGV.

Về hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhu cầu điện tính đến hết tháng 8 tăng 12% so với cùng kỳ, cao hơn kế hoạch của Bộ công thương từ đầu năm là 9%, hỗ trợ huy động các nhà máy điện.

Trong bối cảnh mưa nhiều trên toàn quốc và thủy văn thuận lợi, nhóm thủy điện dự kiến có triển vọng tích cực nhất trong quý III.

Tính trong tháng 7 - 8, sản lượng thủy điện đã tăng khoảng 39% so với cùng kỳ, theo đó các doanh nghiệp thủy điện đều sẽ hưởng lợi trong giai đoạn này, tuy nhiên các doanh nghiệp sở hữu thủy điện nhỏ như PC1, HDG sẽ có lợi thế hơn do ít bị ảnh hưởng bởi giá huy động giảm.

Đối với nhóm nhiệt điện, sản lượng huy động đi ngang so với cùng kỳ và giảm mạnh so với quý II do Việt Nam đã đi qua đợt cao điểm nắng nóng, dự kiến xu hướng huy động thấp có thể kéo dài hết quý III và chỉ cải thiện từ quý IV khi thủy điện hết mùa mưa tại khu vực miền Nam do đó, nhóm nhiệt điện có thể sẽ duy trì mức nền lợi nhuận khá thấp trong giai đoạn này.

Về mặt chính sách, trong thời gian tới dự kiến Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được ban hành, trong khi đó, luật điện lực sửa đổi và các chính sách quan trọng như chính sách giá năng lượng tái tạo vẫn đang bỏ ngỏ về thời điểm ban hành.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Ngành bán lẻ phục hồi tích cực

Trong tháng 7&8, PMI duy trì trên mức 52,4 cho thấy phần nào các đơn hàng mới ở khu vực sản xuất đã có sự cải thiện đáng kể. Do vậy, kỳ vọng quý III, sự phục hồi về tiêu dùng các ngành hàng sẽ có sự cải thiện tốt hơn 6 tháng khi sự lan tỏa chung của khu vực sản xuất đã bắt đầu có sự tác động tích cực đến thu nhập của người lao động.

MBS nhận thấy quý III sẽ là giai đoạn mở rộng của các nhà bán lẻ sau một thời gian dài đi ngang nhằm bảo vệ thị phần, trong bối cảnh sức tiêu dùng chung vẫn còn yếu.

Các doanh nghiệp đã dần mở mới cửa hàng thêm để tiếp cận đến các tệp khách hàng tiềm năng với mục tiêu mở rộng tệp khách hàng mới, tăng độ phủ sóng trên toàn quốc.

Tuy nhiên ngành hàng bán lẻ điện tử tiêu dùng vẫn đang giảm dần số cửa hàng vật lí khi nhu cầu chung có sự sụt giảm rất mạnh trong năm 2023, do đó các nhà bán lẻ vẫn đang tái cấu trúc kinh doanh nhằm tối ưu chi phí, cải thiện lợi nhuận.

HK

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/du-phong-kqkq-quy-iii-ban-le-nang-luong-va-khu-cong-nghiep-but-pha-them-mot-quy-buon-cua-nhom-bds.html