Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Ngày 27/5/2024, Sở Y tế Thừa Thiên Huế ban hành Công văn số 1574/KH-SYT hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn về việc tổ chức Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 hướng tới mục tiêu 'Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030', từ ngày 1/6/2024 đến ngày 30/6/2024.

 Thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại trạm y tế

Thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại trạm y tế

Thông qua chiến dịch, mục đích nhằm hướng đến thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội và của toàn dân hướng đến mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, góp phần làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Nhằm hưởng ứng Tháng chiến dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (KSBT) đã chỉ đạo các tuyến dưới thực hiện tổ chức các đa dạng hóa các hoạt động truyền thông như truyền thông qua loa đài, qua các trạng mạng xã hội, và qua các tài liệu truyền thông như panô, khẩu hiệu, băng rôn, áp phích, tranh gấp, tờ rơi… Các nội dung truyền thông trong năm nay được chú trọng bao gồm: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương; lợi ích của điều trị ARV sớm nhằm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Năm 2024, Trung tâm KSBT cũng đã phân bổ chỉ tiêu thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai cho các TTYT huyện/thành phố tùy theo tình hình địa phương của các đơn vị. Trong 3 tháng đầu năm 2024, có 3.569 Phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tại trạm y tế, trong đó 2.224 phụ nữ được xét nghiệm trong thời kỳ mang thai, và 1.345 phụ nữ được xét nghiệm trong giai đoạn chuyển dạ, đẻ.

Trung tâm KSBT cũng tăng cường quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV thông qua việc giới thiệu website tuxetnghiem.vn đến người dân; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ này tại địa phương qua các cuộc truyền thông, qua kênh báo đài, các trang mạng xã hội và website hoạt động của đơn vị. Hằng năm theo hoạt động của chương trình, Trung tâm KSBT đều tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng tư vấn xét nghiệm HIV cho PNMT, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các cán bộ chuyên trách mới và nữ hộ sinh cho các đơn vị tuyến dưới. Bên cạnh đó, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS - TTKSBT cũng đã phối hợp với hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), triển khai Quy chế phối hợp giữa hệ thống CSSKSS với hệ thống điều trị HIV/AIDS.

Theo ThS.BS. Lý Văn Sơn – Trưởng khoa PC HIV/AIDS -Trung tâm KSBT cho biết: “Trong năm 2023, trong tổng số 104 người phát hiện nhiễm mới trên địa bàn thì có đến 14 người nhiễm là phụ nữ, chiếm 13,4% tổng số người nhiễm mới. Tất cả đều có đường lây truyền qua đường tình dục. Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay có 4/4 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang được điều trị ARV và quản lý tốt. Trong những năm gần đây, hầu như không phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV truyền từ mẹ sang con. Đây cũng một trong những tín hiệu tích cực trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn tỉnh, đồng thời hướng đến mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/du-phong-lay-truyen-hiv-tu-me-sang-con-142241.html