Dự phòng sinh non

Thai phụ chủ động khám thai định kỳ, đúng lịch để giảm thiểu sinh non từ những nguyên nhân phòng tránh được.

Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp

Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi, gây ra khoảng 900.000 ca tử vong vào năm 2019. Hàng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên thế giới, hay cứ 10 trẻ ra đời thì có 1 trẻ sinh non.

Sinh non là sinh trước 37 tuần tuổi thai. Sinh non là nguyên nhân mắc bệnh, tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này.

Hàng năm, ở nước ta có hơn 100.000 trẻ sinh thiếu tháng và đang là gánh nặng về bệnh tật, tử vong ở trẻ em. Vì vậy, dự phòng giảm nguy cơ sinh non thực sự cần thiết và cần được ưu tiên trong các chiến lược về chăm sóc sức khỏe con người.

Những thai phụ nào dễ bị sanh non hơn?

Không phải mọi thai kỳ đều có nguy cơ sinh non như nhau và cũng không phải trường hợp nào cũng có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, ở những thai phụ có tiền sử sản khoa bất thường như: từng sinh non trước đó, mang thai nhiều lần hoặc đã từng phá thai hoặc sẩy thai nhiều lần sẽ có nguy cơ cao hơn.

Đa thai là một yếu tố nguy cơ phổ biến gây sinh non: 59% trường hợp sinh đôi và > 98% trường hợp sinh ba trở lên là sinh non. Trong đó, nhiều trẻ sơ sinh rất non tháng (<32 tuần): 10,7% trường hợp sinh đôi, 37% trường hợp sinh ba và > 80% trường hợp sinh bốn trở lên.

Các yếu tố khác liên quan đến sinh non khác như: không được quản lý thai hoặc có quản lý thai kỳ kém; mang thai thụ tinh trong ống nghiệm; hút thuốc lá; mẹ trẻ tuổi hoặc lớn tuổi (dưới 16 tuổi hoặc trên 35 tuổi); nhiễm trùng không điều trị; hở eo tử cung, tiền sử khoét chóp; nhân xơ tử cung, dị dạng bẩm sinh tử cung; thai kỳ bệnh lý buộc phải chấm dứt thai kỳ sớm như tiền sản giật, nhau bong non, nhau tiền đạo, thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, thai dị tật...

Thực hiện phương pháp Kangaroo tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Thực hiện phương pháp Kangaroo tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Nguyên nhân của sinh non là gì?

Phần lớn sinh non là nguyên phát, chiếm 80% các trường hợp, đa phần liên quan đến chuyển dạ sinh non hoặc ối vỡ non trên thai non tháng. Trong nhiều trường hợp không thể tìm được nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ của chuyển dạ sinh non.

Một nhóm nguyên nhân còn lại liên quan đến thai kỳ bệnh lý buộc phải chấm dứt thai kỳ sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Sinh non có thể dự phòng được không?

Các biện pháp dự phòng không hoàn toàn phòng được sinh non nhưng có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước khi mang thai bao gồm sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm phát hiện những thai kỳ có nguy cơ cao sinh non và những bệnh lý khác, qua đó thực hiện can thiệp dự phòng.

Dự phòng sinh non trong thai kỳ

Dự phòng sinh non trong thai kỳ

Các phụ nữ được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được tiếp cận chăm sóc và điều trị ở các cơ sở chuyên khoa, giúp họ có thể dự phòng sinh non hiệu quả. Những bà mẹ đơn thai và có tiền sử sinh non, được khuyến cáo thực hiện siêu âm ngã âm đạo đo chiều dài cổ tử cung bắt đầu từ tuần 16 đến tuần 24 của thai kỳ. Những trường hợp có chỉ định điều trị dự phòng được can thiệp kịp thời sẽ giúp kéo dài thai kỳ, giảm tỷ lệ sinh non và tăng kết cục có lợi cho thai nhi.

Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung nên được thực hiện thường quy ở những tuần đầu đến tuần 24 của thai kỳ để phát hiện những trường hợp hở eo tử cung hoặc cổ tử cung ngắn.

Cần sinh con theo kế hoạch, bảo đảm theo khuyến cáo (không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dày). Khi mang thai cần tuân thủ hướng dẫn khám thai và đặc biệt lưu ý một số nội dung như: dinh dưỡng; tránh các chất kích thích; giảm căng thẳng.

Đối với trẻ sinh non, nhẹ cân cần được tiếp xúc da kề da bằng phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ giúp trẻ sinh non phát triển tốt hơn.

Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ấm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non, nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.

BS.CKI. Nguyễn Thị Xuân Quyên

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/du-phong-sinh-non-127126.aspx