Dù suýt chết vì Covid-19, nhiều người Mỹ vẫn không chịu tiêm vaccine
Dù biết hậu quả nguy hiểm của căn bệnh, đặc biệt là với biến chủng Delta đang lây lan, nhiều người dân ở bang Arkansas (Mỹ) vẫn không tin lời các bác sĩ và không tiêm vaccine.
"Nhịp tim của cô ấy đang giảm mạnh".
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Arkansas (Mỹ) đeo khẩu trang N95 và mang quần áo bảo hộ, trong khi nhóm cấp cứu chuẩn bị xe đẩy thiết bị y tế trong hành lang.
Đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) của bệnh viện bị quá tải khi số bệnh nhân Covid-19 tăng vọt so với các đợt dịch trước. 6 bác sĩ nhanh chóng tiến vào căn phòng có người bệnh đang nguy kịch và 2 y tá đứng chờ ở bên.
"Nồng độ oxy của bệnh nhân đang giảm. Những người mắc Covid-19 rất nhạy cảm với thay đổi trong máy thở", Carmen Eaken, y tá đã điều trị nhiều bệnh nhân nặng tại Trung tâm Y tế UAMS (Mỹ), nói với VICE News.
Nhóm 6 bác sĩ nhanh chóng thiết lập lại đường thở của bệnh nhân. Khi họ thành công, một y tá, quan sát qua ô kính ngoài phòng ICU, đã reo lên mừng rỡ.
Bác sĩ Nikhil Meena, chuyên gia về bệnh phổi, đứng bên đầu bệnh nhân và giám sát cả nhóm. Trong khi đó, một bác sĩ khác bơm oxy vào phổi người bệnh.
"Mọi thứ trong phòng cấp cứu bệnh nhân Covid-19 khó khăn hơn nhiều vì phải luôn có người ở ngoài lấy đồ. Hơn nữa, các bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ, đeo 2 lớp khẩu trang cùng kính chắn, rất nóng và khó chịu", Eaken nói.
Dù bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch, rất nhiều người khác không may mắn như vậy.
Không tin tưởng bác sĩ
Khi VICE News đến thăm Trung tâm Y tế UAMS, nơi này có 66 bệnh nhân Covid-19, nhiều hơn so với lần đạt đỉnh vào tháng 1 với 63 người. Bộ phận ICU bị quá tải và 90% trường hợp nhập viện đều chưa tiêm vaccine.
Arkansas là một trong các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất nước Mỹ chỉ với 44,1% dân số từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ, theo Bộ Y tế Arkansas.
Khi biến chủng Delta lây lan rộng trong bang, giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19 đang bắt đầu.
"Đại dịch thứ 2 thuộc về những người chưa tiêm vaccine. Bệnh nhân khó được cứu sống hơn trong đại dịch đầu tiên", bác sĩ Meena nói với VICE News.
Meena cho biết, khác biệt chính với biến chủng Delta là 20% bệnh nhân nhập viện là phụ nữ có thai. Ngoài ra, chủng virus này tăng khả năng tử vong ở người trẻ.
"Nó lây lan mạnh hơn rất nhiều so với chủng virus đầu tiên", anh nói thêm.
Tuổi trung bình của các bệnh nhân cũng trẻ hơn, khoảng 40, theo bác sĩ Cam Patterson, giám đốc tại UAMS.
"Chúng tôi gặp nhiều trường hợp mẹ bầu nhập viện khi đã có biến chứng, dẫn đến tình trạng sảy thai. Mọi thứ quả thực rất nghiêm trọng chứ không chỉ là một cơn cảm cúm nặng", ông nói.
Bất chấp những rủi ro từ biến chủng Delta, nhiều người dân bang Arkansas (Mỹ) vẫn từ chối tiêm vaccine.
"Tôi nhận ra rằng hiểm họa từ cái chết vẫn không đủ để thúc đẩy mọi người tiêm chủng", bác sĩ Meena nói.
Anh đã cố gắng thuyết phục các bệnh nhân cùng gia đình đi tiêm vaccine nhưng chỉ thành công khoảng 1/5 số trường hợp.
"Nhiều người không tin mình mắc Covid-19. Họ nghĩ chúng tôi nói dối", anh cho biết.
Hoài nghi về tác dụng
Celice Chandler, một bệnh nhân mắc Covid-19 của bác sĩ Meena, cho biết ban đầu cô nghĩ mình chỉ bị dị ứng, nhưng 7 ngày sau, căn bệnh tiến triển đến mức viêm phổi.
"Khi bạn không thể thở, mọi thứ rất đáng sợ", cô nói một cách khó khăn.
Chandler và chồng từng nghĩ Covid-19 chỉ là chuyện hoang đường. Giờ đây, Chandler đã hiểu ra, nhưng chồng cô vẫn nghi ngờ.
"Tôi từng không tin vào nó, cho đến khi bản thân mắc bệnh. Mọi người cần biết căn bệnh này có thật. Người ta đang chết vì nó", Chandler cầu khẩn.
Bác sĩ Meena nghĩ rằng mình đã thuyết phục thành công Chandler, nhưng cô vẫn từ chối tiêm phòng.
"Khi rời bệnh viện, Chandler đã gần như ủng hộ vaccine. Nhưng 2 ngày trước, cô ấy lại trở về sự do dự ban đầu", anh cho biết.
"Tôi đọc toàn tin xấu về vaccine, bởi tôi không tin vào nó. Có lẽ tôi phải thay đổi cách nghiên cứu và suy nghĩ", Chandler nói với VICE News. Tuy nhiên, khi được hỏi về dự định tiêm vaccine, cô đáp: "Không phải lúc này".
Lindsey Smith xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi đến bệnh viện sinh con. Cô cũng chưa tiêm vaccine. Dù không có triệu chứng, cô phải cách ly với con trai mới sinh của mình.
"Thằng bé đáng lẽ phải ở bên tôi. Thật khó khăn khi chẳng thể gặp con trai mình", cô nói.
Tuy nhiên, Smith không hối tiếc vì đã từ chối vaccine. "Ngay cả khi đã tiêm, bạn vẫn có thể mắc bệnh. Vẫn chưa có đủ nghiên cứu chứng minh nó hiệu quả", cô nói.
“Tôi nghe nói nó thay đổi DNA và những thứ tương tự. Dù không biết những điều đó có đúng hay không, tôi cũng không chắc điểm tốt mà họ nói về vaccine là thật”, Smith bày tỏ.
Đội ngũ y tế kiệt sức
Các bác sĩ trong bệnh viện không chỉ chiến đấu với COVID-19 mà còn phải chống lại làn sóng thông tin sai lệch. Bác sĩ Meena cho rằng bệnh nhân có suy nghĩ sai lệch do ảnh hưởng của truyền thông.
“Tôi không nghĩ mình sẽ phải sống trong thời kỳ mà vaccine bị chế giễu như vậy”, anh nói.
Nhân viên y tế đang kiệt sức và dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết. Một số y tá tại bệnh viện thậm chí bỏ đi giữa ca làm việc của họ.
Bác sĩ Patterson nói với VICE News rằng ông lo lắng về những điều nhân viên của mình phải chứng kiến trên tuyến đầu.
"Các nhân viên y tế phải nhìn thấy những người trẻ tuổi, khỏe mạnh chết dần chết mòn. Đôi khi chúng tôi không chỉ kiệt sức mà còn chịu chấn thương tinh thần nặng nề”, anh nói.
Y tá Alyssa Kirkpatrick chia sẻ: “Thật khó để làm việc và chứng kiến những bệnh nhân trẻ ốm yếu".
Để vượt qua từng ngày, Kirkpatrick tập trung vào sức khỏe của bản thân.
"Tôi hay nói rằng nếu không thể chăm sóc bản thân thì cũng khó mà lo cho bệnh nhân. Đến thời điểm này, tôi đã gần như chấp nhận mọi thứ", cô chia sẻ.