Dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, sâu sắc, thể hiện nhiều điểm mới

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 747-CT/QUTW, ngày 23-7-2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội, đã có 2.709 tổ chức Đảng trong lực lượng BĐBP với 4.895 lượt đảng viên tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có 1.245 ý kiến của đảng viên thuộc các đảng bộ trực thuộc; 3.650 ý kiến của đảng viên thuộc đảng bộ BĐBP tỉnh, thành phố.

Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 biểu quyết thông qua nội dung kết luận phần thảo luận các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Kim Nhượng

Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 biểu quyết thông qua nội dung kết luận phần thảo luận các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Kim Nhượng

Các ý kiến đóng góp đều thống nhất đánh giá dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, tổng kết thực tiễn sâu sắc, toàn diện, khách quan, nội dung có tính khái quát cao.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ BĐBP lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 có 5 ý kiến phát biểu trực tiếp, 7 ý kiến tham gia bằng văn bản gửi cho Đoàn Chủ tịch đại hội đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Các ý kiến thảo luận đều có sự đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị kỹ; chất lượng các ý kiến tốt, bảo đảm tập trung, có phân tích lập luận chặt chẽ và bám sát vào nội dung trọng tâm theo hướng dẫn và gợi ý được nêu trong dự thảo các văn kiện.

Các ý kiến tham gia thảo luận đều bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tập trung nhấn mạnh, làm rõ, chứng minh các nội dung được trình bày trong dự thảo các văn kiện là phù hợp và cần thiết, thể hiện sự đánh giá khách quan, chính xác về kết quả đạt được; dự báo, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới cụ thể, rõ ràng; có sự kế thừa, bổ sung phát triển tư duy lý luận mới của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Các ý kiến đã đề cập đầy đủ các vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong đó tập trung vào những nội dung: Tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; tóm tắt dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; tóm tắt dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2021 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; tóm tắt dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Các ý kiến đều khẳng định, bố cục của dự thảo các văn kiện chặt chẽ, logic, cụ thể, đầy đủ nội dung chính trên tất cả các lĩnh vực, không có ý kiến nào đề nghị thêm, bớt nội dung vào bố cục các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Về chủ đề của Báo cáo chính trị, hầu hết tán thành với dự thảo báo cáo, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”, viết hoàn chỉnh là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN”.

Việc bổ sung này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm công tác xây dựng Đảng hiện nay, có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng xuyên suốt, phản ánh đúng điều căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và phù hợp với mục XIV: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới: Hầu hết các ý kiến cho rằng, những đánh giá về thành tựu, ưu điểm và nguyên nhân, hạn chế, khuyết điểm; những kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII là đầy đủ, sát với thực tiễn.

Về kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các ý kiến đồng tình, đánh giá cao dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó kinh nghiệm thứ hai, Đảng ta chính thức đưa vào văn kiện bài học đề cao và phát huy vai trò của nhân dân, dự thảo nêu rõ: “Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, tăng cường củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN”. Theo nhiều ý kiến, đây là điểm mới đáng chú ý so với Đại hội XII của Đảng.

Về tầm nhìn và định hướng phát triển, tại quan điểm chỉ đạo thứ hai của dự thảo xác định: “Bảo đảm lợi ích của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên”.

Hầu hết các ý kiến đề nghị bổ sung “hai trụ cột” liên quan đến đoàn kết và công tác đối ngoại. Diễn đạt lại như sau: “... Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu; thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

BP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/du-thao-cac-van-kien-duoc-chuan-bi-cong-phu-sau-sac-the-hien-nhieu-diem-moi-post435576.html