Dự thảo kiểm định CTĐT: 18 tháng để cải tiến chất lượng là dài hay ngắn?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 về kiểm định chương trình đào tạo đại học và cao đẳng sư phạm (Thông tư 04) và thay thế các Thông tư có liên quan để lấy ý kiến góp ý.

Trong đó, bổ sung thêm mức “đạt có điều kiện” đối với kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, đề xuất thêm các tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng,... là những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao với những điểm mới tại dự thảo.

 Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH)

Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH)

Dự thảo mới đã khắc phục những chồng chéo ở bộ tiêu chuẩn đánh giá hiện hành

Đánh giá về dự thảo mới, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt cho hay:

“Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT được vận dụng từ bộ tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức bảo đảm chất lượng thuộc mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Tuy nhiên cách thức, các phương pháp đánh giá đang được cải tiến, vận dụng từ kinh nghiệm của nhiều tổ chức kiểm định quốc tế, đặc biệt các trung tâm kiểm định từ châu Âu, châu Mỹ,..

Đây là một trong những nỗ lực lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng trong nước, vừa đảm bảo phù hợp trong điều kiện của Việt Nam vừa bảo đảm sự hội nhập quốc tế và khu vực”.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của một trường đại học phía Nam cũng đánh giá cao những điểm mới tại dự thảo.

Theo vị Trưởng phòng, dự thảo Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học có nhiều điểm mới tiến bộ, khắc phục được những tiêu chuẩn, tiêu chí chồng chéo trong bộ tiêu chuẩn đánh giá hiện hành. Điều này giúp tạo thuận lợi rất lớn cho các cơ sở giáo dục đại học.

Thời gian cải tiến chất lượng: Nên 18 tháng hay 24 tháng?

 Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. Ảnh: Học viện Ngân hàng

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt. Ảnh: Học viện Ngân hàng

Một trong những điểm mới đáng chú ý là dự thảo đã bổ sung thêm mức đánh giá “đạt có điều kiện” - cho phép các cơ sở có thời gian tối đa 18 tháng để cải tiến chất lượng đối với một số tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt so với yêu cầu kiểm định.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung cho hay, thực tế trước đây các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục cũng đã có bước làm này, tuy nhiên còn chưa được thể hiện đậm nét. Với thời gian 18 tháng được quy định tại dự thảo, chuyên gia đánh giá đây là khoảng thời gian thích hợp để các cơ sở đào tạo cải tiến chất lượng đối với một số tiêu chuẩn, tiêu chí còn chưa đạt yêu cầu.

Ngoài ra, đối với chương trình đào tạo được đánh giá ở mức đạt từ chu kỳ II trở đi và có kết quả cải tiến chất lượng đáp ứng yêu cầu theo kết quả đánh giá ở chu kỳ liền trước đó thì thời gian kiểm định chất lượng tiếp theo đối với chương trình đào tạo là 7 năm - được kéo dài thêm 2 năm so với quy định hiện hành (5 năm). Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung đánh giá là điều chỉnh hợp lý, thể hiện sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các trường trong công tác đảm bảo chất lượng.

 Tiến sĩ Lê Phương Trường - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Lạc Hồng

Tiến sĩ Lê Phương Trường - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Lạc Hồng

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Phương Trường - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Lạc Hồng cũng đánh giá việc cho phép các trường có thời gian 18 tháng để cải tiến chất lượng là một chính sách nhân văn, tiết kiệm và phù hợp với xu hướng quốc tế.

Cụ thể, Tiến sĩ Lê Phương Trường phân tích, quá trình cải tiến chất lượng tại trường đại học là một quá trình liên tục, được chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau. Quá trình này bao gồm các kế hoạch cải tiến nhỏ, cần ít nguồn lực, đến các kế hoạch lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn.

“Vì vậy, việc cải tiến các tiêu chuẩn để đạt mức "đạt có điều kiện" cho cơ sở giáo dục là một bước đi hợp lý. Kết quả đánh giá "đạt có điều kiện" thường phụ thuộc vào nhận định của các đoàn đánh giá.

Ví dụ, chương trình đào tạo có thể cần bổ sung thêm các môn học phù hợp với chuyên ngành, hoặc chuẩn đầu ra chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các bên liên quan; đây là những yếu tố mà cơ sở giáo dục có thể cải thiện trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, việc tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục được cải tiến để đạt chuẩn chất lượng là một chính sách nhân văn, tiết kiệm, và phù hợp với xu hướng của các tổ chức kiểm định quốc tế, thể hiện sự hội nhập của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Tiến sĩ Lê Phương Trường nêu ý kiến.

Tuy nhiên, với thời gian 18 tháng, vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận khác nhau. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, thời gian 18 tháng để cải tiến chất lượng từ gần đạt sang đạt quá ngắn, dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục đại học phải thường xuyên trong tình trạng làm hồ sơ để báo cáo dẫn tới lãng phí, tốn kém.

Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Lạc Hồng đánh giá, thời gian 18 tháng để cải tiến chất lượng từ mức "gần đạt" sang "đạt" có thể là một thách thức đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là những đơn vị còn hạn chế về nguồn lực.

Tuy nhiên, vị Trưởng phòng cũng cho rằng thời gian 18 tháng đủ để các cơ sở giáo dục có cơ hội thực hiện những cải tiến cần thiết trong thời gian ngắn, tránh việc phải thực hiện lại quy trình kiểm định, từ đó giảm thiểu lãng phí.

“Đối với các cơ sở giáo dục có đầy đủ nguồn lực, thời gian 18 tháng không phải là quá khó khăn, mà ngược lại, còn là một cơ hội để đẩy mạnh cải tiến chất lượng một cách toàn diện. Những cải tiến có thể thực hiện trong thời gian ngắn sẽ giúp các cơ sở giáo dục đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định, từ đó củng cố uy tín của mình.

Ngoài ra, nếu các đánh giá viên nhận thấy rằng các điểm cần cải tiến không thể thực hiện trong khoảng thời gian 18 tháng, thì họ nên mạnh dạn đánh giá là không đạt. Điều này đảm bảo rằng chỉ những cơ sở giáo dục thực sự đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng mới đạt kiểm định, tránh việc làm giảm giá trị của quy trình kiểm định”, Tiến sĩ Lê Phương Trường đề xuất.

Trong khi đó, vị Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của một trường đại học phía Nam lại kiến nghị có thể xem xét kéo dài thời gian cải tiến chất lượng từ 18 tháng lên thành 24 tháng (tức 2 năm). Điều này nhằm tạo điều kiện cho các trường có hạn chế về nguồn lực.

“Có những cải tiến nhà trường có thể hoàn thành trong thời gian rất ngắn, như chỉ khoảng 1 đến 2 tuần cũng có thể xong. Nhưng cũng có những hạn chế không thể giải quyết được trong thời gian ngắn và cần nguồn lực ngân sách lớn để thực hiện cải tiến theo khuyến nghị.

Vì vậy, tôi cho rằng có thể kéo dài thời gian cải tiến thành 2 năm giúp các trường có đủ thời gian để hoàn thành các khuyến nghị về cải tiến chất lượng”, vị này cho hay.

10 tiêu chí điều kiện - bước ngoặt lớn trong việc nâng cao chất lượng kiểm định

Ngoài ra, một điểm mới đáng chú ý khác tại dự thảo là bổ sung quy định về tiêu chí điều kiện. Theo đó, bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo mới dự kiến bổ sung 10 tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Viện trưởng Nguyễn Kim Dung đánh giá, đây là một thay đổi khá hợp lý, giúp thúc đẩy các trường có ý thức quan tâm, nghiêm túc hơn trong công tác cải tiến chất lượng chương trình đào tạo.

“Việc có thêm quy định về tiêu chí điều kiện sẽ mang lại tính phân hóa cao hơn trong đánh giá, thúc đẩy các trường nghiêm túc, nỗ lực và rốt ráo hơn trong vấn đề đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo.

10 tiêu chí điều kiện cho thấy một bước ngoặt lớn trong việc nâng cao chất lượng kiểm định ở nước ta”, chuyên gia nhận định.

Cũng đánh giá đây là một cải tiến tích cực, Tiến sĩ Lê Phương Trường chia sẻ, trong giai đoạn đầu khi các cơ sở giáo dục mới tiếp cận với kiểm định chất lượng, việc không đặt ra các điều kiện bắt buộc là hợp lý. Tuy nhiên, hiện tại, khi các cơ sở giáo dục đã phát triển văn hóa chất lượng và các hoạt động đảm bảo chất lượng đã trở thành một phần thiết yếu trong giáo dục đại học, việc thiết lập các điều kiện bắt buộc là cần thiết.

“Hơn nữa, theo kinh nghiệm của Trường đại học Lạc Hồng đã tham gia kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế cụ thể là ABET họ quy định, nếu một chương trình không đạt bất kỳ tiêu chí nào trong số các tiêu chí kiểm định của ABET, chương trình đó sẽ không được công nhận kiểm định.

Do đó, tôi cho rằng việc áp dụng 10 tiêu chí điều kiện này là một cải tiến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo rằng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tối thiểu đã đề ra. Tuy nhiên, việc xác định liệu các tiêu chí tối thiểu này có phù hợp với bối cảnh hiện tại của Việt Nam hay không, là trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia biên soạn bộ tiêu chuẩn”, vị Trưởng phòng bày tỏ.

Ngoài ra, góp ý thêm về dự thảo, Tiến sĩ Lê Phương Trường nhận định, bảng hướng dẫn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt là mục “Yêu cầu của tiêu chí,” hiện đang chỉ tập trung vào việc chia nhỏ nội hàm của tiêu chí.

Theo đó, vị Trưởng phòng đề xuất các chuyên gia nên mở rộng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục. Ví dụ, tiêu chí 1.2 với nội dung “Chuẩn đầu ra được xác định rõ ràng” nhưng việc xác định này lại khá thách thức. Nếu sử dụng thang đo mức độ nhận thức Bloom để xây dựng chuẩn đầu ra thì phù hợp với việc xác định kiến thức và kỹ năng, nhưng với chuẩn đầu ra về tự chủ và tự chịu trách nhiệm thì các cơ sở giáo dục vẫn đang gặp khó khăn.

Dự thảo Thông tư sửa đổi được tích hợp thêm nội dung hướng dẫn đánh giá tiêu chí (Phụ lục I) - trên cơ sở xây dựng theo nguyên lý và theo định hướng PDCA. Hướng dẫn không đưa ra các yêu cầu định lượng gắn với việc ‘có minh chứng’ để hạn chế việc đối phó trong quá trình tạo ra minh chứng cung cấp cho đoàn đánh giá ngoài.

Theo Tiến sĩ Lê Phương Trường, PDCA là một trong những nguyên tắc cơ bản của đảm bảo chất lượng. Việc quy định các minh chứng cứng mang tính định lượng có thể dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực. Đối với các kiểm định viên có kinh nghiệm, không khó để phát hiện những minh chứng chỉ mang tính chất đối phó, tuy nhiên, nếu các cơ sở giáo dục cung cấp được các minh chứng này, thì họ vẫn được xem là đã hoàn thành tiêu chí.

“Khi áp dụng nguyên lý và định hướng PDCA trong xây dựng đánh giá, tôi thật sự đánh giá cao điểm cải tiến này của bộ tiêu chuẩn mới. Việc đánh giá các chương trình đào tạo theo nguyên lý này cho phép các đánh giá viên dựa trên kinh nghiệm của mình để xác định và đưa ra những đánh giá, góp ý, giúp chương trình có thể cải tiến hiệu quả”, chuyên gia bày tỏ sự đánh giá cao với những thay đổi mới tại dự thảo.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/du-thao-kiem-dinh-ctdt-18-thang-de-cai-tien-chat-luong-la-dai-hay-ngan-post245452.gd