Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cần quy định trách nhiệm đổi mới công nghệ
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi dự kiến được trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, khai mạc ngày 20/5. Bên cạnh những điểm mới, tích cực mà Dự thảo mang lại, còn nhiều nội dung cũng đang nhận được những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vừa qua, TS. Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường - cho rằng, ở Mục 2 của Chương 3 và Mục 1,2 của Chương 4 Dự thảo về nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và giấy phép môi trường, mặc dù đã có nhiều đổi mới như trả lại bản chất cho ĐTM là công cụ dự báo chứ không phải công cụ quản lý như trước và quản lý dựa trên giấy phép môi trường là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng nội dung đưa ra vẫn mang tính "vừa nhấn ga, vừa đạp phanh". Theo TS. Hoàng Dương Tùng, đối với đánh giá môi trường chiến lược, chúng ta đang thiếu thông tin dữ liệu. Dự thảo chưa quy định hoặc có điều khoản thể hiện sự cương quyết yêu cầu phải áp dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, theo Luật BVMT 2014, các loại giấy phép như xả thải, khí thải, rác thải… vẫn đang được cấp riêng rẽ. Do vậy, dự thảo cần tích hợp các giấy phép trên vào trong một giấy phép môi trường nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính phức tạp cho tổ chức/doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng các loại giấy phép; đơn giản hóa thủ tục, quy định để cấp giấy phép. Bên cạnh đó, dự thảo đề "Đánh giá sơ bộ tác động môi trường", còn trên thế giới chỉ có "Đánh giá tác động môi trường sơ bộ/chi tiết"; nếu dự thảo dựa theo "ngôn từ" của Luật Đầu tư là không đúng, mà Luật Đầu tư phải theo Luật Môi trường, chúng ta cần sửa lại. Đồng thời, cần thu hẹp đối tượng ĐTM...
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hiệu, Mục 3 và Điều 154 của Mục 2, Chương 11 về Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, chính sách phát triển ngành kinh tế môi trường còn quá chung chung; chưa có các quy định ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường phát triển. Đồng thời, cần bổ sung Năng lượng bức xạ và Năng lượng mặt trời vào điều 96, tín chỉ carbon cũng như thị trường carbon vào Điều 97.
Bà Nguyễn Thụy Khanh - Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - kiến nghị, dự thảo chưa nêu rõ hoặc quy định cụ thể nhằm khai thác và phát triển ngành công nghiệp môi trường quốc gia. Muốn kiểm soát và quản lý tốt môi trường, phải có chính sách ràng buộc các đơn vị tổ chức đầu tư vào khoa học - công nghệ trong sản xuất và xử lý môi trường. Đồng thời, cần bổ sung vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào giám sát môi trường không khí liên vùng, tỉnh; tăng cường các công cụ kinh tế trong kiểm soát khí thải, phần này trong Dự thảo Luật chưa được làm rõ…
Dự thảo Luật BVMT sửa đổi có 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động; trong đó, đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án…