Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): 5 nội dung góp ý, phản biện xã hội dưới góc độ bình đẳng giới
Chủ trì Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh 5 nội dung dưới góc độ bình đẳng giới, có tác động sâu sắc tới phụ nữ; trong đó đặc biệt là quy định bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện.
Chiều 17/10/2023, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dưới góc độ bình đẳng giới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, giảm số năm tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, xây dựng bảo hiểm xã hội đa tầng, bổ sung chính sách về trợ cấp hưu trí xã hội, chính sách trợ cấp thai sản cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây chính là cơ hội để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới đây. Theo đó, Hội nghị phản biện xã hội dưới góc độ bình đẳng giới trên cơ sở đánh giá tính phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của các quy định liên quan đến bình đẳng giới trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nêu 5 nội dung lớn của dự thảo Luật có tác động trực tiếp, ảnh hưởng sâu sắc tới phụ nữ, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến, cụ thể:
Thứ nhất, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc không trọn thời gian, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…
Thứ 2, các quy định trợ cấp hưu trí xã hội góp phần đảm bảo an toàn thu nhập cho người cao tuổi, bởi theo số liệu thống kê, số người được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi chỉ chiếm 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Chỉ có 16% phụ nữ trên 65 tuổi được nhận lương hưu từ BHXH, thấp hơn rõ rệt so với tỷ lệ 27,3% ở nam giới. Vậy việc quy định cụ thể đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp xã hội trong dự thảo luật đã thỏa đáng chưa, có cần quy định lộ trình điều chỉnh giảm tuổi hưởng hưu trí xã hội trong Luật?
Thứ 3, các quy định về chế độ thai sản trong BHXH, hạn chế chính của chế độ thai sản ở Việt Nam là diện bao phủ thấp. Chỉ có người tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản, chiếm khoảng trên 30% lực lượng lao động. Ngoài ra, Nghị định 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ về trợ cấp tiền mặt một lần là 2 triệu đồng cho phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số và tuân thủ chính sách dân số; Thông tư 15/2022/TT-BTC hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số là 3 triệu đồng/bà mẹ.
Quy định hiện hành, người lao động tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản. Hiện nay, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện; quy định một mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con. Khoản trợ cấp thai sản này sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Đây là một chính sách nhân văn, đảm bảo quyền lao động chính đáng của lao động nữ và thu hẹp dần khoảng cách giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện trong thụ hưởng bảo hiểm xã hội của lao động nữ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Thị Nga bày tỏ mong muốn các đại biểu thảo luận về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện đã phù hợp chưa, có cần bổ sung thêm các quyền lợi khác cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện?
Thứ tư, các quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội một lần; qua thực tế cho thấy, tỷ lệ hưởng BHXH một lần của lao động nữ cao hơn nam giới; thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước.
Thứ 5, đề nghị các đại biểu thảo luận các vấn đề khác liên quan đến bình đẳng giới; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã có những tiếp thu, sửa đổi dự thảo Luật thời gian qua. Đồng thời cho rằng, Dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể tính tương thích với các luật khác như Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi; phù hợp với các công ước Quốc tế... Đặc biệt là lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể từng chính sách, đảm bảo lồng ghép giới trong từng chính sách cụ thể; đánh giá sâu sắc hơn nữa các chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù như bổ sung chế độ thai sản với BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ 2 triệu đồng theo nghị quyết 29 có còn đáp ứng yêu cầu? Đồng thời nghiên cứu kỹ, sâu sắc hơn nữa vấn đề phụ nữ rút BHXH một lần cao hơn nam giới, để có những quy định phù hợp...
Tại hội nghị, các đại biểu, đại diện của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học từ các tổ chức trong nước và quốc tế cùng thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), để các quy định của luật có tính khả thi, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.