Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam không mâu thuẫn, trùng chéo với các luật khác

Mới đây, thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 cũng như giải trình, chỉnh lý quy định trong dự thảo luật về vai trò nòng cốt của lực lượng BĐBP và các quy định khác để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới quốc gia... Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng về một số nội dung trong dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng. Ảnh: Quang Vinh

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng. Ảnh: Quang Vinh

- Đề nghị ông cho biết quan điểm của mình về tên gọi, khái niệm “biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật BPVN?

- Tôi nhất trí cao với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật BPVN”, đã được xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11-6-2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Khái niệm “biên phòng” đã được các cơ quan thẩm tra và soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý lại, cụ thể: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.

Theo tôi, khái niệm trên đã đảm bảo phù hợp quan điểm của Đảng và quy định của các luật khác.

- Ông đánh giá như thế nào về nội dung nhiệm vụ biên phòng và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng được quy định trong dự thảo Luật BPVN?

- Cách chỉnh lý dự thảo Luật BPVN theo hướng chỉ quy định các nhiệm vụ chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng mà không quy định cụ thể cho từng lực lượng, theo tôi là phù hợp và bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác liên quan. Nhiệm vụ cụ thể của từng lực lượng, cũng như vai trò chủ trì trong từng nhiệm vụ sẽ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của pháp luật; với các nguyên tắc và nội dung phối hợp áp dụng chung cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đảm bảo để từng chủ thể chủ động, linh hoạt trong việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Nội dung này đã được giao Chính phủ quy định chi tiết tại Điều 10 của dự thảo Luật BPVN.

Bên cạnh đó, tôi nhận thức được nhiệm vụ biên phòng là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, dự thảo Luật BPVN quy định, ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân, hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu còn có “các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu” (Theo Điều 6, dự thảo Luật BPVN) là phù hợp. Đồng thời, đây là cơ sở để quy định một số chế độ, chính sách cho từng lực lượng. Cá nhân tôi vẫn mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có những chính sách đặc thù riêng cho lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng để động viên kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, chiến sĩ BĐBP yên tâm hoàn thành tốt nhất sứ mệnh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

- Thưa ông, có một số ý kiến khác về vai trò của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, nên bỏ cụm từ “là lực lượng vũ trang nhân dân” tại khoản 1, Điều 12, vì cho rằng, Luật Quốc phòng đã quy định. Tuy nhiên, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên quy định “BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân” như trong dự thảo Luật BPVN, để thể hiện rõ tính chất đặc thù hoạt động của BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Quy định như vậy cũng phù hợp với cách thể hiện của Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam...

Về chức năng “chủ trì duy trì an ninh, trật, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu” và xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp để tránh chồng chéo với Luật Công an nhân dân, tôi tán thành với quan điểm giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là một thể thống nhất, bao gồm biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tại khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ.

Về mặt pháp lý, dự thảo Luật BPVN quy định BĐBP chỉ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. BĐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong các điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, như vậy là không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở khu vực biên giới và cửa khẩu.

Về mặt thực tiễn, có thể nói, hầu hết khu vực biên giới của nước ta đều có địa hình hiểm trở, điều kiện khí hậu và thời tiết phức tạp, khó khăn. Công tác duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực này có nét đặc thù hoàn toàn khác so với các khu vực trong nội địa, phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Với một lực lượng chuyên nghiệp và có tính kỷ luật cao của quân đội, thời gian qua, lực lượng BĐBP luôn đóng vai trò chủ công trong các hoạt động kiểm soát biên giới, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu (thể hiện rõ nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19), cũng như trong nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống các hoạt động tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Truyền thống của BĐBP trong công tác “bám bản, bám dân”, thực hiện công tác dân vận đối với bà con các dân tộc thiểu số, miền núi ở khu vực biên giới đã ngày càng được phát huy. BĐBP luôn nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở nơi địa bàn đóng quân và sự tin yêu của nhân dân. Lực lượng BĐBP cũng như các lực lượng quân đội khác đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, chủ trì trong các hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Với những lý do trên, việc giao cho BĐBP thực hiện vai trò nòng cốt, chuyên trách, chủ trì là hoàn toàn xác đáng. Bên cạnh đó, thực tiễn việc thực hiện Pháp lệnh BĐBP cho thấy, giữa BĐBP và các cơ quan, tổ chức đã và đang phối hợp có hiệu quả, không có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ này.

Cuối cùng, tôi đề nghị Quốc hội thông qua dự thảo Luật BPVN tại kỳ họp này, tạo điều kiện để các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện tốt và thuận lợi hơn nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia rất quan trọng, rất khó khăn nhưng cũng rất vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Vinh - Hà Thu (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/du-thao-luat-bien-phong-viet-nam-khong-mau-thuan-trung-cheo-voi-cac-luat-khac-post434656.html