Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ nội dung quy hoạch, đền bù giải tỏa

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang được đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia góp ý. Nhiều ý kiến đề nghị luật này cần làm rõ những nội dung trong công tác quy hoạch, đền bù giải tỏa.

Nhiều người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đóng góp ý kiến về 9 vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ông Nguyễn Tiến Nam, ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế cho rằng, trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, nhưng cũng cần làm rõ thêm nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác đền bù giải tỏa, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất:“Tôi thấy rằng, Luật đất đai là cần phải làm rõ những nội dung mà người dân quan tâm. Đó là công tác quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng, giải tỏa đến nơi ở mới cũng như công tác định giá đất. Thứ hai, Luật này ảnh hưởng rất nhiều đến những bộ luật khác, khi điều chỉnh luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm phần quy định những bộ luật nào có liên quan đến đất đai cần phải đưa vào Luật đất đai để tránh sự xung đột khi áp dụng luật.”

Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Nguyên tắc bồi thường về đất tại khoản 2, Điều 89 của dự thảo Luật Đất đai lần này quy định, khi nhà nước thu hồi đất, phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Ông Trần Bá Mẫn đề nghị, Luật cần làm rõ nội dung đảm bảo ổn định cuộc sống và điều kiện nơi ở mới có đủ hạ tầng cơ sở thiết yếu cho sinh hoạt, tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ. “Thực tiễn thì là rất khó khăn. Thứ nhất, làm thế nào để đảm bảo về mặt thu nhập là tốt hơn nơi ở cũ. Bởi vì không có nội dung quy định là xác định thu nhập trước và sau khi bị thu hồi. Thứ hai là điều kiện sống thì cũng chưa đưa ra tiêu chí xác định cụ thể là trong điều kiện sống phải như thế nào. Cho nên, nếu như đưa nguyên tắc này vào thì rất khó khăn. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị nên chỉnh sửa.”

Luật đất đai (sửa đổi) Cần làm rõ nội dung quy hoạch, đền bù giải tỏa.

Luật đất đai (sửa đổi) Cần làm rõ nội dung quy hoạch, đền bù giải tỏa.

Theo ông Thân Văn Tài, Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Huế, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hiện nay đã có một số thay đổi rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục bổ sung thêm một số nội dung. Trước hết, cần phải nghiên cứu các nội dung mới của Bộ Luật Dân sự, liên quan quyền sở hữu tài sản, chẳng hạn như là quyền bề mặt. Quyền bề mặt luôn gắn liền với quyền sử dụng đất. Trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lại bỏ ngỏ quyền bề mặt, cho nên hàng loạt các câu hỏi, các thắc mắc có thể phát sinh. Ví dụ như, chủ thể nào được nhận chuyển giao quyền bề mặt từ người sử dụng đất? Cái này chưa thấy trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) xác định hoặc là các hình thức chuyển giao quyền bề mặt như thế nào? Trình tự, thủ tục đăng ký quyền bề mặt để bảo vệ quyền cho chủ thể là như thế nào?

Theo ông Thân Văn Tài, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có một chương riêng quy định nghĩa vụ công dân trong lĩnh vực đất đai:“Điểm ghi nhận nhất đó là, hiện nay có chương riêng ghi nhận các quyền của công dân trong lĩnh vực đất đai. Chủ thể này không nhất thiết phải là người sử dụng đất mà là một công dân có những quyền nhất định trong lĩnh vực đất đai. Ví dụ như quyền tiếp cận thông tin. Đây là một cái rất tốt! Trong lĩnh vực đất đai hiện nay, là một lĩnh vực rất cần có sự minh bạch và giám sát từ cộng đồng, các tổ chức, đặc biệt là đối với công dân. Đây là một điểm tôi cho rằng rất đáng ghi nhận từ dự thảo luật lần này”./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-can-lam-ro-noi-dung-quy-hoach-den-bu-giai-toa-post1006696.vov